Vun bồi "gia tài" xanh của người nghèo Bắc Kạn (Bài 2)
Vun bồi "gia tài" xanh của người nghèo Bắc Kạn (Bài 1) |
Bài 2: Vững tâm giữ rừng đi làm kinh tế
Lấy ngắn nuôi dài để giữ rừng
Giống như những chia sẻ của anh Đặng Khải Huy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) rừng trúc gần 2 ha của gia đình. Nếu chỉ trông chờ vào những lần tỉa trúc để bán thương phẩm, có lẽ nỗi lo về "cơm áo, gạo tiền" không thể giúp anh giữ lại màu xanh ở Pù Lầu lâu đến thế. Cách đây vài năm, anh nhận thấy, nếu kết hợp hài hòa giữa rừng và nuôi cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi không chỉ tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn mang lại nguồn thu nhập đa dạng cho gia đình từ du lịch sinh thái. Nghe có vẻ là một ý tưởng hoang đường của chàng trai mới chớm tuổi đôi mươi, nhưng với Huy đó là cơ hội để thoát nghèo. Trong một lần gặp mặt cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể, anh đã đề xuất ý tưởng này. Nhìn thấy quyết tâm mãnh liệt của chàng trai trẻ cùng tiềm năng phát triển kinh tế của mô hình này, cán bộ NHCSXH đã chấp thuận và nhanh chóng giải ngân cho vay vốn.
![]() |
Anh Đặng Khải Huy chia sẻ về mô hình kinh tế kết hợp rừng và du lịch ở Pù Lầu (Ảnh: Trà Giang) |
Được "bật đèn xanh", anh Huy bắt đầu xây dựng những bể cá tầm, cá hồi đầu tiên. Bể cá ban đầu chỉ có 200-300 con nhưng đến nay đã mở rộng đến 8000 con, vừa rồi anh đã xuất bán toàn bộ bể cá hồi đúng mùa thu hoạch cho các tỉnh thành phía Bắc cho lợi nhuận đáng kể. Ít ai biết rằng, Huy chưa từng qua trường lớp đào tạo về chăn nuôi. Bí quyết thành công của anh đến từ kinh nghiệm gia đình, kiến thức trên internet, cùng độ nhạy và tinh thần chịu khó học hỏi. Không dừng lại ở đó, khi hành trình nuôi cá đã ổn định cho thu nhập tốt, anh Huy mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để xây dựng nhà chòi trên đỉnh núi, phục vụ nhu cầu ăn uống, ngắm rừng trúc của du khách.
Cách đó không xa, ngay từ sáng sớm bà Hoàng Thị Hảo - một phụ nữ dân tộc Tày tại thôn Nà Mèo, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể đã chuẩn bị xong phần ăn cho đàn ngựa trước khi đi rẫy. Bà Hảo cho biết, được sự hỗ trợ từ NHCSXH bà đã vay vốn để gây dựng mô hình nuôi ngựa bạch để làm cao ngựa – một sản phẩm quý mang lại thu nhập ổn định. Với tổng số vốn 300 triệu đồng, bà đầu tư vào việc mua giống bạch huyết, xây dựng chuồng trại, thức ăn, dinh dưỡng dành riêng cho ngựa bạch. Mỗi con ngựa bạch trưởng thành được bán với giá 40.000.000 đồng, mỗi 1 lạng cao ngựa bán được 1.000.000 đồng. Đàn ngựa của gia đình bà lúc đông nhất có đến 8 con, khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Không chỉ chăm lo cho những chú ngựa quý, bà Hảo còn cẩn thận vun trồng 5000m2 cây ăn quả để thu hoạch đều mỗi năm.
![]() |
Hộ gia đình ông bà Hoàng Thị Hảo nuôi đàn ngựa bạch để vun đắp “gia tài xanh (Ảnh: Trà Giang) |
“Nuôi ngựa bạch hay trồng cây ăn quả... tất cả cũng chỉ để tôi nuôi thêm cái gia tài lớn cất bên rìa nhà”, vợ chồng bà Hảo kể. Hóa ra, "gia tài" quý giá nhất mà ông bà Hảo nhắc đến là 2ha rừng mỡ xanh tốt do chính tay mình vun trồng cách đây 2 năm. Vụ trước, sau 10 năm chờ đợi, ông bà đã thu hoạch được kha khá, mỗi mét khối gỗ bán được 900.000 - 1.000.000 đồng. “Món vay từ NHCSXH tuy không lớn, nhưng điều mà tôi cũng như nhiều người dân khác trong vùng cảm thấy mừng là nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người nghèo, đối tượng chính sách.
Những câu chuyện nêu trên không chỉ riêng có ở Chợ Đồn hay Ba Bể mà trải rộng toàn tỉnh Bắc Kạn. Những giải pháp linh hoạt, kịp thời này không chỉ giúp người dân “lấy ngắn nuôi dài” mà còn góp phần bảo vệ rừng, vun bồi cho “lá phổi xanh” của Bắc Kạn ngày càng xanh tươi, trù phú. Đây cũng là điểm tựa để từ năm 2014 đến nay, mặc dù một số thời điểm người dân địa phương gặp khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành liên quan đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cùng chung mục tiêu vì người nghèo
Song hành cùng sự chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên và hệ thống chính trị tại địa phương là sự “dẫn đường”, “chỉ lối” của Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-CT/TW trong suốt 10 năm qua. Ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, trước khi có Chỉ thị số 40 và Kết luận 06, cấp uỷ, chính quyền các cấp chưa thực sự nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn rất hạn chế.
![]() |
Ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Trà Giang) |
Nhưng kể từ khi Chỉ thị được ban hành, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp được nâng cao, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh cũng luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, nguồn vốn ủy thác đầu tư địa phương đạt 101,6 tỷ đồng, tăng 99,5 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40, ông Hà Sỹ Côn cho biết.
Chưa bao giờ các hoạt động của tín dụng chính sách lại liền mạch và thống nhất đến thế. Đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Tỉnh ủy đã yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp kiêm nhiệm Trưởng Ban diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp để chỉ đạo, triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương mình; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời thống kê, rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát sinh hằng năm làm cơ sở để những đối tượng này được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chương trình, dự án phục vụ sản xuất theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết; tư vấn, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu; phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất kinh doanh…
Nhờ đó, giữa sắc xanh trùng điệp của núi rừng Bắc Kạn, từ những bản làng còn nhiều khó khăn như chợ Đồn, Pác Nặm, Ba Bể… cho đến những vùng phát triển hơn trên toàn tỉnh Bắc Kạn đều bừng lên sức sống mới. 1.546 tổ tiết kiệm và vay vốn như những mạch nguồn nhỏ, đã len lỏi khắp các nẻo đường, giúp giải ngân số tiền 7.222 tỷ đồng với trên 173.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Gần 23.000 hộ đã vươn lên thoát nghèo; gần 1.200 học sinh, sinh viên nghèo được “chấp cánh” cho ước mong đến trường. Vốn tín dụng không chỉ mang đến cơm no áo ấm, mà còn thắp lên hy vọng cho 36 mảnh đời từng lầm đường lạc lối có cơ hội làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng. Nguồn vốn quý giá ấy đã góp phần xây dựng 68.667 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 1.403 căn nhà tình nghĩa được dựng lên, che chở cho những mảnh đời bất hạnh.
Nhằm tiếp tục tăng nguồn lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu nhận nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH giai đoạn 2024-2025 tăng trưởng từ 45 tỷ đồng đến 60 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực mới thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế bền vững từ rừng của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới.
Tin liên quan
Tin khác
