Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19
Sự bùng phát dữ dội và kéo dài của đại dịch COVID-19 trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho lực lượng lao động ở các khu vực kinh tế, cụ thể như sự sụt giảm trong số lượng lao động, những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như sự gia tăng áp lực trong gia đình và trong công việc của người lao động. Ở thời điểm hiện tại, việc giải quyết hậu quả của những tổn thương này trở thành nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp nhằm củng cố sức mạnh nguồn lực và phục hồi hoạt động kinh doanh.
![]() |
Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie phát biểu tại Diễn đàn |
Trong bối cảnh đó, VBCWE, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và VnEconomy đã đồng tổ chức Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) để thảo luận về các vấn đề liên quan đến lực lượng lao động gần đây và các giải pháp cho một nơi làm việc hòa nhập và bền vững hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ góp phần thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc, từ đó giúp cải thiện tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh và sự sẵn sàng cho tương lai của các doanh nghiệp. Một nơi làm việc tích cực tuyển dụng, thúc đẩy và khuyến khích phụ nữ phát triển sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, và diễn đàn ngày hôm nay thảo luận về những cách thiết thực mà các doanh nghiệp có thể thực hiện điều này.”
Bà Kathy Mulville - Giám đốc hợp phần Hợp tác Doanh nghiệp của dự án Investing in Women (Đầu tư cho sự phát triển của phụ nữ - IW) – một sáng kiến của Chính phủ Australia – đã chia sẻ những phát hiện chính từ cuộc khảo sát về tác động của COVID-19 đối với người lao động khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam do IW và VBCWE thực hiện vào tháng 2 năm 2022.
Theo kết quả khảo sát, người lao động đã và đang trải qua nhiều yếu tố căng thẳng đan xen, liên quan đến sự bấp bênh về tài chính, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, và trách nhiệm chăm sóc. Những vấn đề này, nếu không được quan tâm giải quyết thỏa đáng bởi doanh nghiệp, có thể dẫn đến sự sụt giảm trong năng suất và khiến người lao động, đặc biệt là nữ giới, phải xem xét giảm thời gian làm việc.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng chế độ làm việc tại nhà và công việc linh hoạt rất được yêu thích nếu công ty có đưa ra chính sách này. Do đó, bà Mulville nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần đa dạng hóa sự hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động, cũng như cần thu thập và phân tích dữ liệu để nắm được thực trạng áp dụng các hỗ trợ này và có sự điều chỉnh khi cần thiết.
![]() |
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận |
Các bài tham luận khác trong diễn đàn được trình bày bởi bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) VBCWE, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia (AusCham) tại Việt Nam, và ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lần lượt về các chủ đề “Vực dậy nguồn nhân lực hậu khủng hoảng COVID-19 - Góc nhìn từ việc xây dựng quan hệ lao động bền vững”, “Đa dạng và hòa nhập – Nền tảng sức mạnh đội ngũ”, và “Hành trình thúc đẩy bình đẳng giới của Tập đoàn EVN”.
Khai thác sâu hơn những chủ đề này, phiên thảo luận trong diễn đàn có sự tham gia chia sẻ của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Thành viên HĐQT VBCWE, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Tp.HCM (HAWEE); ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10; và bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Tọa đàm được điều phối bởi bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch VBCWE, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VAWE, và ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp Hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).
Đại diện cho các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm trang sức, bất động sản và dệt may, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định tầm quan trọng của việc kiến tạo và duy trì các giá trị đa dạng, hòa nhập (D&I) và bình đẳng giới tại nơi làm việc. Các giá trị này giúp nâng cao sự hài lòng của nhân viên, cải thiện môi trường làm việc và xây dựng một đội ngũ gắn kết, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng bền vững.
Bà Hà Thu Thanh chia sẻ: “Vực dậy nguồn lực lao động sau khủng hoảng COVID-19 đòi hỏi tư duy và hành động tiên phong của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tạo dựng được một nền tảng văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt giới tính, vùng miền, là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì và đảm bảo người lao động cảm thấy an vui, an toàn nguồn lực lao động một cách bền vững.”
Tại sự kiện, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đã được vinh danh vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và nhận chứng chỉ toàn cầu EDGE (Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng giới).
Ngoài ra, Công ty TNHH Phần mềm DTS Việt Nam đã được trao giấy chứng nhận cho việc hoàn thành đánh giá bình đẳng giới sử dụng công cụ GEARS (Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng giới) với sự hỗ trợ của VBCWE. GEARS là công cụ và chứng nhận do Cơ quan Bình đẳng Giới tại nơi làm việc của chính phủ Úc (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) phát triển và được VBCWE điều chỉnh theo thực tế tại Việt Nam.
Sau bốn năm hình thành và phát triển, VBCWE đã dần khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong và chuyên nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm gắn với giá trị giới được bình đẳng tại nơi làm việc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. VBCWE cung cấp các giải pháp thiết thực về bình đẳng giới tại nơi làm việc bao gồm các dịch vụ đánh giá, đào tạo và tư vấn, giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược tổng thể về bình đẳng giới thông qua cải thiện chính sách và môi trường làm việc, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
