Vụ trộm kim cương thế kỷ ở Anh
Vụ trộm hiện vẫn đang được điều tra nên HGL chưa có con số chính xác thiệt hại, nhưng theo giới thạo tin thì đây được coi là một trong những vụ trộm lớn nhất nước Anh và thế giới xưa và nay trong lĩnh vực này. Đặc biệt, nó xảy ra đúng vào Lễ Phục sinh, nên rất ít người chú ý.
Ngoài ra, do các hầm chứa tiền và kim hoàn rất an toàn, nếu không nói là bất khả xâm phạm nên mọi người không mảy may nghi ngờ sẽ xảy ra chuyện xấu. Vụ việc chỉ được phát hiện vào sáng 7/4/2015 sau khi nhân viên HGL đi làm trở lại và phát hiện ra sự việc. Cảnh tượng thật hãi hùng, vượt qua sự tưởng tượng của mọi người khi chứng kiến các cánh cửa sắt kiên cố đã bị cắt thủng.
![]() |
Trụ sở Công ty ký thác Hatton Garden (HGL) |
Theo tờ Telegraph của Anh, tuy việc điều tra đang được tiến hành nhưng cảnh sát cho rằng đây là một vụ trộm táo tợn, được thực hiện khá bài bản như trong phim hành động. Bọn trộm được trang bị khá đầy đủ các phương tiện cần thiết, rất hiện đại và hiệu quả.
Việc kẻ gian đã tiếp cận hầm chứa an toàn của HGL như thế nào thì đến nay chưa có thông tin chính thức, nhưng tờ Telegraph cho hay, bọn trộm đã đột nhập từ nóc tòa nhà vào tối hôm 2/4/2015, tụt xuống qua đường thang máy sau đó dùng máy cắt công suất lớn cắt đứt cửa sắt dẫn đến khu chứa két sắt.
Trước khi cắt cánh cửa sắt dày 45 cm, bọn trộm đã cưa đứt các thanh sắt tại khu vực an ninh nhằm vô hiệu hóa hệ thống bảo vệ, thậm chí còn khoan thủng cả một đoạn tường bê tông dày tới 2 m.
Cũng theo Telegraph, ngày 3/4/2015 trong khi đang “tác nghiệp”, bọn trộm suýt bị phát hiện vì tiếng chuông báo động vang lên, một nhân viên an ninh đến thị sát nhưng thấy cửa chính vẫn đóng nên bỏ đi.
Cũng trong thời gian diễn ra sự việc, tại ga điện ngầm Kingston gần đó đã xảy ra vụ cháy lớn gây mất điện diện rộng ở khu vực trung tâm London, kể cả khu phố kim hoàn nơi đóng đại bản doanh của HGL nên hệ thống an ninh của công ty bị ảnh hưởng. Và người ta tình nghi rằng đây là hành động đánh lạc hướng.
Ngay sau khi nhận tin báo, ngày 7/4/2015, cảnh sát London đã vào cuộc, xác nhận có tới khoảng 60-70 két sắt an toàn đã bị phá tung. Đây là các tài sản ký gửi của những người làm nghề mua bán vàng bạc và kim cương tại phố kim hoàn Hatton Garden. Sơ bộ, tài sản bị mất ước khoảng 200 triệu bảng Anh (tương đương 300 triệu USD), thậm chí có tin đồn số tiền mất lên tới 370 hoặc 380 triệu USD.
Theo ông Roy Ramm, cựu chỉ huy đội đặc nhiệm Flying Squarrd thuộc cảnh sát London, nơi đang điều tra vụ án này thì vụ trộm nói trên cực kỳ táo tợn, mang tính chuyên nghiệp, rất có thể đã có thông tin nội gián, đặc biệt là về cấu trúc tòa nhà và hệ thống báo động của hầm chứa tài sản. Cũng không loại trừ việc nhân viên của HGL bán thông tin ra ngoài cho kẻ gian.
Liên quan đến giá trị thật sự bị tổn thất, nhiều người cho rằng tài sản thực bị mất có thể cao hơn nhiều bởi phần lớn là đá quý được ký gửi tại HGL đã có bảo hiểm của các công ty chuyên kinh doanh mặt hàng này, chưa kể của các cá nhân không mua bảo hiểm nhưng lại muốn bảo mật nên giá trị thật chưa được thống kê đầy đủ, trong số này có viên kim cương trị giá 743.000 USD và tài sản của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng đang chơi ở Premier League, như Chelsea, Arsenal,
Tottenham và West Ham. Rất có thể, số đá quý bị mất sẽ bị tuồn ra nước ngoài để tiêu thụ. Được biết, Công ty ký thác Hatton Garden đã hoạt động từ những năm 50 của thế kỷ trước và đây là lần đầu tiên vụ trộm quy mô lớn như vậy xảy ra.
Nhân sự kiện nói trên, CNN đã cập nhật một số vụ trộm khác được xem là lớn nhất liên quan đến đá quý, nữ trang và vàng bạc. Trong đó, có thể kể đến vụ trộm kim hoàn, đồ trang sức diễn ra tại Triển lãm hàng trang sức tại Khách sạn Carton, Cannes, Pháp ngày 28/7/2003, trị giá số tài sản bị mất ước khoảng 236 triệu USD.
Trước đó nhiều năm, là vụ trộm diễn ra tại sân bay quốc tế J.F Kennedy, Mỹ năm 1978. Trong vụ này, Jimmy Burk cầm đầu nhóm cướp 6 tên có vũ trang đã lấy đi 8 triệu USD. Đây là vụ trộm lớn nhất lịch sử nước Mỹ thập niên 70 của thế kỷ trước. Sau đó, Burk bị tuyên phạt 20 năm tù và chết tại nhà lao New York.
Hay sự việc xảy ra vào năm 1990, nhóm trộm đã giả danh cảnh sát Boston, đột nhập vào Bảo tàng Isabella Steward Gardner, phá tan hệ thống an ninh và lấy đi 13 tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, trong đó có những tác phẩm của Rembrandt và Vermeer trị giá 500 triệu USD.
Tháng 3/2013, FBI cho biết họ đã tìm thấy thủ phạm nhưng lại chưa thu hồi được tang vật. Ngoài ra, còn có thể kể đến vụ 6 tên trộm đã đột nhập vào nhà kho của hãng Brink’s MART tại sân bay Hearthrow ở London, lấy đi một số tiền khá lớn.
Ban đầu có tin nội gián, chúng nghĩ chỉ có khoảng 3 triệu bảng Anh (khoảng 4,6 triệu USD), nhưng rồi chúng đã khoắng được rất nhiều vàng bạc, nữ trang và tiền mặt, trị giá tới 43 triệu USD. Để mở được khóa chúng đã bắt ba nhân viên bảo vệ, dùng khí gas đe dọa tính mạng để lấy mã khóa, sau đó đã thực hiện phi vụ một cách trót lọt...
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
