Để nạn móc túi, trộm cắp không “quấy rối” mùa lễ hội
Người dân nô nức trẩy hội
Ngay từ sáng sớm, Hội vật làng Sình tại Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Cả bốn khán đài quanh sới vật đều chật kín người xem. Những màn đấu vật cân sức giữa các chàng trai to khỏe, lực lưỡng khiến người xem thót tim khi các đô vật liên tục tung ra những đòn, chiêu nhằm hạ gục đối thủ xuống sân cát. Anh Nguyễn Văn Sinh – một người tham gia lễ hội chia sẻ, mỗi dịp đầu năm anh đều cùng gia đình tham gia lễ hội tại làng. Đây là nét đẹp văn hóa của địa phương và là hoạt động thể thao góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Dịu (tỉnh Hòa Bình) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ ngày đầu xuân, gia đình chị lại đến Chùa Tiên để cầu may, với mong ước cho năm mới được an lành, hạnh phúc. Không chỉ có chị Dịu mà còn có rất đông người dân đổ về để tham quan, đi lễ chùa.
![]() |
Lễ hội chùa Hương đã có nhiều đổi mới trong việc giữ an ninh trật tự |
Tuy nhiên, số lượng người đổ về các lễ hội, đền thờ, chùa càng đông lại là cơ hội cho một số đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp. Mới đây, Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ đối tượng Chu Văn Dũng, sinh năm 1993, trú tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội về hành vi trộm cắp tài sản. Theo điều tra, đối tượng đã móc túi, trộm cắp 1 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 14 Pro Max, trị giá khoảng 37.000.000 đồng của người dân khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc.
Quá trình kiểm tra, Tổ công tác phát hiện cốp xe của Dũng còn có 9 chiếc điện thoại di động được cất giấu trong túi da màu đen. Đối tượng này khai nhận 9 chiếc điện thoại này đều do Dũng trộm được khi thấy tình trạng đông đúc, nhiều người chen lấn nhau nên nảy sinh ý định trộm tài sản bằng cách đến gần, áp sát người đi lễ rồi dùng tay kéo mở khóa túi xách, túi đeo để trộm cắp tài sản.
Những hành vi nêu trên không chỉ diễn ra manh mún ở một vài nơi mà sẽ còn xảy ra ở nhiều lễ hội tập trung đông người khác. Đại diện Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Mỹ Đức nhìn nhận, số lượng người đổ về lễ hội rất đông. Trong quá trình di chuyển, nhiều người sơ hở tài sản như điện thoại, túi xách, ví tiền, rất dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm; tinh vi hơn, các đối tượng có thể đi theo nhóm, sau khi trộm cắp liền tuồn cho đồng bọn rồi tẩu thoát khỏi hiện trường.
Đổi mới nhiều phương án phòng ngừa
Để đảm bảo an ninh trật tự cho người dân và du khách trong mùa lễ hội, các địa phương đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tại Bắc Ninh, nhiều thời điểm trong khu vực nội tự đền Bà Chúa Kho, du khách thập phương phải chen chân mới có thể tìm được cho mình một chỗ đứng nên có thể là nơi thu hút tội phạm trộm cắp, móc túi hành nghề. Do đó, lực lượng cảnh sát hóa trang, mật phục bên cạnh các cán bộ chốt trực công khai để tăng cường giám sát. Ban quản lý đền cũng lắp đặt tổng số 48 camera an ninh ở khắp các điểm "nóng" đông người trong khu di tích.
Là nơi diễn ra lễ hội tại 8 đền và 2 điểm di tích lịch sử, Thành phố Lào Cai đã bố trí, tăng cường lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh khu vực diễn ra lễ hội. Theo đó, các ngành chức năng lên phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại các khu vực phụ trợ, lối dẫn vào khu vực lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng đông người để thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, lừa đảo hay các hoạt động tệ nạn như sử dụng trái phép chất ma túy, cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, gây rối trật tự công cộng…
Trong khi đó, một trong những lễ hội kéo dài và thu hút đông du khách nhất trong cả nước là lễ hội chùa Hương đã có nhiều đổi mới trong việc giữ an ninh trật tự như bố trí các chốt trạm, trực 24/24h để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến an ninh trật tự; chủ động phân luồng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo thông thoáng, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt kiên quyết xử lý đối với các trường hợp “cò” đeo bám khách. Nhờ sự nỗ lực đó, du khách tránh được tình trạng lộn xộn, bát nháo, ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an là rất quan trọng, song những cảnh tượng xô bồ, hỗn loạn, mất an ninh trật tự vẫn sẽ có cơ hội xảy ra nếu ý thức của người dân khi tham gia lễ hội chưa được nâng cao. Mỗi người tham gia lễ hội cần phải trang bị cho mình sự hiểu biết, có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng để góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
