Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù bối cảnh thế giới vẫn còn bất ổn, song triển vọng của Việt Nam khá tích cực. Bên cạnh đó việc Việt Nam đang tham gia tích cực vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đó chính là lực hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Minh chứng rõ nét nhất là một loạt các dự án FDI tên tuổi được triển khai ở Việt Nam, như: LEGO đang đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Bình Dương. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam, nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO.
Pegatron - nhà cung cấp của Apple - cũng có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, trong khi Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây.
Việt Nam liên tục thu hút FDI hàng đầu thế giới xét về tỷ trọng với GDP, chỉ đứng sau Malaysia trong nhóm các nền kinh tế ASEAN.
![]() |
Hạ tầng giao thông phát triển là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư |
Bên cạnh đó, chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) - thước đo sức khỏe ngành sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam liên tục duy trì ở mức trên 52 điểm, chứng tỏ sự cải thiện vững vàng của khu vực sản xuất.
Ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. Việt Nam đang rất nỗ lực trở thành một quốc gia tăng trưởng GDP cao trong khu vực Đông Nam Á và dự kiến tầng lớp trung lưu sẽ tăng trung bình 17% vào năm 2030.
Theo dự báo Dịch vụ Toàn cầu (GSF) của hãng Airbus kỳ vọng thị trường dịch vụ sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2023 và sẽ tăng gấp đôi giá trị trong vòng 20 năm tới - từ 95 tỷ USD hiện nay lên hơn 230 tỷ USD vào năm 2041. Do đó, số lượng nhân sự làm việc trong các ngành dịch vụ hàng không hỗ trợ các máy bay vận hành hàng ngày trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng thêm hai triệu người.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham lý giải, sở dĩ các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian gần đây, một phần do chiến lược China+1 và một phần 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam đã tham gia. Do đó, để thu hút các nhà đầu tư tận dụng cơ hội của các FTA, kích thích đầu tư tư nhân và đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế vững mạnh hơn, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn cho hoạt động thu hút đầu tư, nhất là khuyến khích các nhà đầu tư chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa.
Tuy nhiên, phát triển xanh đòi hỏi nguồn lực vốn xanh lớn với chi phí cao. Ông Alain Cany cho rằng, khó khăn lớn nhất trong hoạt động này hiện nay là cơ chế pháp lý, tình trạng quan liêu và cơ sở hạ tầng mạng lưới chưa đủ đáp ứng. Do đó Việt Nam cần cải thiện để thu hút thêm FDI vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Chính phủ dự kiến sử dụng ngân sách nhà nước để đáp ứng 2/3 nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phần còn lại kỳ vọng đến từ đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực vào đầu năm 2021, số lượng các dự án đầu tư theo phương thức PPP trên thực tế lại giảm dần. Trong năm 2021 và 2022, hầu như không có nguồn vốn tư nhân rót vào cơ sở hạ tầng công. Nguyên do là hiện nay, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Đơn cử, quy định hiện hành không đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến phương thức PPP. Do đó các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục khai thông thủ tục hành chính và xây dựng khung pháp lý toàn diện để các công ty FDI có thể đóng góp nhiều hơn.
Một vấn đề khác là Việt Nam có những tham vọng rất lớn đối với phát triển kinh tế số và đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% vào GDP. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân vào tiến trình số hóa của Việt Nam để tăng cường đầu tư phát triển số và lồng ghép số hóa trong mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, muốn thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này, Nhà nước, Chính phủ phải khuyến khích đổi mới, số hóa các thủ tục và điều chỉnh các quy định cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
