Việc tái đàn heo gặp khó
Bệnh dịch tả heo châu Phi kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay tại một số địa phương trong cả nước đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề. Có thời điểm dịch tạm lắng xuống, tuy nhiên từ tháng 10/2020 đến nay dịch tả heo châu Phi lại bùng phát trở lại tại một địa phương ở khu vực miền Trung. Dịch bệnh bùng phát, quay trở lại khiến việc nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh trắng tay sau khi đầu tư tái đàn và điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường thịt heo trong dịp tết cổ truyền sắp tới ở các địa phương trong khu vực...
Tại Quảng Nam, sau một thời gian tạm lắng dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương như, huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Phú Ninh... Việc dịch tả heo châu Phi tái phát trên địa bàn khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng. Tại huyện Thăng Bình, ngay sau khi phát hiện heo nhiễm bệnh, lực lượng thú y địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức tiêu hủy heo dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc, đồng thời yêu cầu hộ chăn nuôi ký cam kết không bán chạy gia súc, không vận chuyển heo và sản phẩm heo thịt ra khỏi địa bàn.
![]() |
Việc tái đàn heo ở khu vực miền Trung đang gặp nhiều khó khăn |
Cũng trên địa bàn Quảng Nam mới đây, các cơ quan chức năng ở huyện Phú Ninh cũng đã phải tiêu hủy bắt buộc số heo nhiễm bệnh. Cụ thể, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Phú Ninh cùng lực lượng chức năng xã Tam Phước đã tổ chức tiêu hủy đàn heo thịt bị dịch tả heo châu Phi của gia đình ông Huỳnh Bằng. Theo ông Bằng, khi phát hiện heo có biểu hiện nhiễm bệnh gia đình đã báo ngay với thú y địa phương để kịp thời xử lý. Điều đáng nói, đây là lứa heo gia đình nuôi với dự định sẽ bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới...
Tương tự, tại Quảng Ngãi một trong những địa phương có phong trào nuôi heo phát triển ở khu vực miền Trung. Nhiều hộ chăn nuôi heo ở địa phương đã gặp khó khi tái đàn do ảnh hưởng nặng nề của nạn dịch tả heo châu Phi. Gần 2 năm nay, khi dịch tả heo châu Phi hoành hành đã khiến hàng nghìn hộ nông dân ở Quảng Ngãi lâm cảnh trắng tay. Thời gian gần đây, bên cạnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì việc mưa lũ kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc tái đàn của nhiều hộ nuôi heo ở địa phương...
Ở khu vực bắc miền Trung dịch tả heo châu Phi cũng đã bùng phát tại một số địa phương, ảnh hưởng đến việc tái đàn của bà con. Trong khi, dịch bệnh tái phát tại nhiều địa phương thì mưa lũ đã gây ngập nhiều nơi, khiến mầm bệnh dễ phát tán ra diện rộng. Bởi mưa lớn, nhiều nơi bị ngập lụt, nước thải từ các chuồng nuôi heo bị bệnh dễ lây lan đến các nơi khác. Cơ chế lây truyền mầm bệnh của dịch tả heo châu Phi cũng rất phức tạp, khó kiểm soát nên mầm bệnh vẫn còn tồn tại ngoài môi trường. Đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đang tái phát trên địa bàn Nghệ An, nhiều huyện, thành phố có dịch. Tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi cũng đã phát sinh tại một số huyện, thị trấn và thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, sau gần 4 tháng “sạch” dịch thì gần đây dịch tả heo châu Phi đã tái phát này số lượng tiêu hủy lớn hơn nhiều so với đầu năm và có nguy cơ bùng phát rất cao.
Việc heo nhiễm bệnh phải tiêu hủy đã và đang gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nhiều gia đình. Sau nhiều lần buộc phải tiêu hủy, các hộ chăn nuôi sẽ gặp khó khăn trong việc tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, để đối phó với dịch bệnh đang có những dấu hiệu diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng ở các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng con giống được kiểm dịch, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo tiêm phòng vắc xin; đồng thời, nâng cấp trang trại chăn nuôi, đặc biệt là xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tả heo châu Phi bài bản, hiệu quả. Nhằm hỗ trợ cho bà con có nguồn vốn để tái đàn, ngành Ngân hàng ở trong khu vực cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân vay vốn tái chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian gần đây bên cạnh dịch bệnh bùng phát, việc tái đàn heo của bà con nông dân đang còn gặp những khó khăn khác. Nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó trong việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bởi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm tỷ lệ lớn. Cũng do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi thời gian qua dẫn đến nguồn con giống chất lượng tại các địa phương khan hiếm, mặc dù giá heo giống đã tăng cao. Có nơi xảy ra tình trạng con giống không rõ nguồn gốc, vẫn được người dân mua để tái đàn. Theo nhiều người đây sẽ là nguy cơ dịch bệnh phát sinh và dễ lây lan. Bên cạnh đó, việc giá thức ăn tăng trên thị trường cũng đã khiến việc tái đàn heo phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết, trong khu vực không như ý muốn của người chăn nuôi.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ cách đây cả tháng nhiều trang trại tích cực tái đàn, chăm sóc đàn heo để chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm. Song, đến thời điểm này có thể khẳng định việc chuẩn bị này đã không được như nhiều hộ nông dân mong muốn. Bệnh dịch tả heo châu Phi tái diễn và bão lũ ở miền Trung đang khiến bà con chăn nuôi heo ở đây bị thiệt hại nặng nề. Bởi vậy, trên thị trường trong khu vực có khả năng thiếu cục bộ nguồn cung vào dịp tết. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng. Bởi, thịt heo luôn là mặt hàng được thực hiện bình ổn giá. Các cơ quan chức năng sẽ có phương án làm việc với các đơn vị, công ty chăn nuôi lớn để nắm bắt tình hình cung cấp, phương án dự trữ, bình ổn giá phù hợp đối với mặt hàng này vào dịp tết.
Tin liên quan
Tin khác

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Hà Nội tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
