Vì một nền kinh tế xanh bền vững
![]() | Những thay đổi cơ bản của cơ chế cho vay mới theo Thông tư 39 |
![]() | Trợ lực cho kinh tế xanh phát triển bền vững |
Tín dụng xanh là bắt buộc
Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 quy định rõ tại mục 1, Điều 4 “Hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường”.
![]() |
VietinBank, một trong những NH đi đầu thiết lập hệ thống quản lý rủi ro MT&XH |
Trước đó, trong năm 2015, Thống đốc NHNN cũng ban hành liên tiếp Chỉ thị 03 và Quyết định 1552 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng. Đây là những nỗ lực chính sách cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý ngành NH trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, qua đó hỗ trợ Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững toàn nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia TC-NH, việc đưa các rủi ro về MT&XH vào trong quản trị rủi ro chung của NH là cần thiết để bảo đảm các DN tuân thủ các cam kết trong các khoản vay. Điều này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay để hạn chế việc các dự án có thể tác động tiêu cực đến MT&XH. Tuy nhiên, việc tuân thủ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các NH trong nước.
Bởi một khảo sát của NHNN và IFC thực hiện năm 2012 với 54 TCTD cho thấy, dù các NH đều nhất trí về sự cần thiết phải tính đến các rủi ro MT&XH của các dự án vay vốn, nhưng hầu hết các NH chưa có chính sách và quy trình hay hệ thống chính thức để quản lý các rủi ro về MT&XH của khách hàng.
Chỉ có 37% các NH trong nước có biết đến và áp dụng các thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro MT&XH như Bộ Tiêu chuẩn hoạt động của IFC; Nguyên tắc Xích đạo; hay các sáng kiến tài chính của chương trình môi trường Liên hợp quốc. Và chủ yếu đây là những NH vốn đã có quan hệ hợp tác, đầu tư với các định chế tài chính quốc tế như VietinBank, BIDV, Vietcombank, TPBank... trong đó việc áp dụng quy trình quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động tín dụng là bắt buộc và tham chiếu theo chuẩn quốc tế.
Thực tế trong thời gian qua, các NH này cũng đi đầu trong việc tuân thủ các quy định về đánh giá các rủi ro MT&XH trong cấp tín dụng, thiết lập các quy trình và hệ thống đánh giá tiên tiến theo thông lệ quốc tế, cũng như từng bước chuyển dịch xây dựng một danh mục tín dụng xanh.
Tốt cho khách hàng, tốt cho chính mình
Thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro MT&XH trong cho vay không chỉ mang lại tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung mà còn tốt cho chính các TCTD và các khách hàng vay.
Đơn cử, nếu dự án của một DN tác động tiêu cực đến môi trường thì không chỉ chính DN đó bị thiệt hại mà NH cấp tín dụng cho DN cũng gặp rủi ro không thu được nợ và các hậu quả kèm theo. Các rủi ro MT&XH lúc này sẽ nhanh chóng biến thành các rủi ro tín dụng, rủi ro pháp lý và rủi ro danh tiếng của chính TCTD.
Bởi vậy, theo TS. Hiếu, nếu không được quản lý tốt, các rủi ro MT&XH không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến chính hiệu quả kinh doanh của NH cho vay.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH (VNBA) đánh giá, những nỗ lực từ phía Chính phủ và NHNN trong thời gian vừa qua sẽ là những cú huých để thúc đẩy tín dụng xanh và các NH trong hệ thống đã và sẽ hưởng ứng nhiệt tình.
“Thực tế theo quan sát của VNBA, các NH rất quan tâm đến lĩnh vực này. Chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi để triển khai và tôi kỳ vọng NHNN trong thiết kế chính sách và các ưu tiên tới đây sẽ đưa vào các nội dung này, qua đó dần điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng ngày càng thân thiện vmôi trường và góp phần tích cực hơn cho tăng trưởng xanh” – ông Thắng nhận định và cho rằng, để tạo ra sự chuyển biến và thay đổi hành vi của cả hệ thống thì bên cạnh các nguyên tắc, quy định mang tính chế tài còn cần các nỗ lực nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và tạo điều kiện cũng như có những biện pháp khuyến khích để các bên (trong đó có NH và khách hàng) thấy có thêm động lực cho sự thay đổi.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH đánh giá, đã có những chuyển biến nhất định thời gian qua về thực hiện tín dụng xanh. Một số NH đã ban hành hệ thống quản lý rủi ro MT&XH, tiếp cận và triển khai một số chương trình tín dụng xanh của các tổ chức quốc tế như chương trình năng lượng tái tạo của WB.
Tuy nhiên theo TS. Lực, để thực hiện hiệu quả trên diện rộng, cần ban hành một chương trình quốc gia tổng thể về tài chính xanh và các hướng dẫn liên quan đến tiêu chí cho các ngành, lĩnh vực cụ thể cũng như các quy trình về thẩm định, cho vay..., qua đó giúp các NH có căn cứ để triển khai.
Còn theo TS. Hiếu, cần tiến tới quy định trong tất cả các hợp đồng tín dụng phải có điều khoản bắt buộc về bảo vệ môi trường và cộng đồng. “Ví dụ khi cho vay với các dự án lĩnh vực nhuộm thuộc ngành dệt may, cần quy định rõ như việc nước thải ra sẽ không được gây tác hại đến môi trường xung quanh hay tới người lao động. NH sẽ giám sát và nếu phát hiện DN có dự án đó không tuân thủ đúng thì có chế tài xử lý” – ông Hiếu nói.
Như vậy, các TCTD hoàn toàn có thể giảm rủi ro thông qua việc khuyến khích các khách hàng áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững. Hơn nữa, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng năng lực về quản lý rủi ro MT&XH cũng sẽ mở ra cho các NH cơ hội kinh doanh mới, như tài trợ cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, tài trợ công trình xanh, huy động vốn thông qua kênh trái phiếu xanh…
“Một mũi tên trúng nhiều đích”, hay “win-win, đôi bên đều được lợi” có lẽ là những cụm từ đúng nhất trong trường hợp này khi nỗ lực của các bên cùng hướng về một phía: Vì một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
