Văn hóa - nền tảng cho phát triển bền vững
![]() |
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam |
Tâm sự với chúng tôi, bà Thanh trải lòng, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp không còn khả năng duy trì năng lực cạnh tranh (NLCT), hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp. Vì thế, bài toán nâng cao NLCT, tăng cường sức chống chịu của doanh nghiệp trước những thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. “NLCT của doanh nghiệp được xem xét trên các phương diện năng lực về thị trường, sản phẩm dịch vụ, con người (lãnh đạo, đội ngũ nhân viên...), văn hóa và tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện mới - phục hồi kinh tế hậu Covid-19, việc nâng cao NLCT của doanh nghiệp còn cần được tiếp cận từ tư duy phát triển bền vững. Ngoài lợi nhuận, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị tốt cần được đưa vào chiến lược và đo lường qua các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm”, bà Hà Thu Thanh chia sẻ.
![]() |
Tiên phong từ chữ “G”, thúc đẩy bằng chữ “E”
Rất thấu hiểu điều đó, nên bà Thanh với vị trí chủ tịch HĐTV Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã đi tiên phong, đồng hành cùng hội đồng quản trị của các doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức và thực thi quản trị công ty. Từ năm 2019, VIOD - tổ chức độc lập chuyên nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhằm đẩy mạnh các hoạt động quản trị hiệu quả của các công ty trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư và qua đó nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Thanh nhấn mạnh, chữ “G” - Governance/Quản trị công ty được xem là yếu tố nền tảng để nâng cao NLCT của doanh nghiệp. Hệ thống quản trị tốt có thể mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững. Tuy nhiên, chỉ quản trị tốt là chưa đủ trong bối cảnh hiện nay khi các quỹ đầu tư quốc tế đang dần chuyển sang lấy các yếu tố ESG (Environment – Môi trường; Social – Xã hội; Governance – Quản trị) làm thước đo cơ sở để đánh giá hiệu quả đầu tư của một doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần phát triển một cách toàn diện hơn.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu (BĐKH) và hành động khẩn cấp chống BĐKH là vấn đề cấp bách được đề cập nhiều tại các diễn đàn trên thế giới. Từ năm 2022, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng chính thức đặt chữ E - Environment quản trị chống BĐKH lên trước và lên cao hơn chữ G-Government - quản trị công ty thông thường. Việt Nam còn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, do vậy các doanh nghiệp Việt cần hành động ngay, đưa ra chiến lược, chính sách và hành động đối phó với khủng hoảng, từ việc định hình vai trò, trách nhiệm giám sát ESG trong hội đồng quản trị, đánh giá cấu trúc quản trị ESG, tích hợp các vấn đề ESG vào chiến lược công ty tới giám sát và thực hiện công bố thông tin tới các bên liên quan một cách minh bạch và đầy đủ.
Tháng 9 vừa qua, Deloitte Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức hội thảo bàn về các vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vốn. Đồng thời, Deloitte Việt Nam cũng chính thức giới thiệu khối dịch vụ phát triển bền vững và BĐKH (Sustainability & Climate) – đây có thể xem là một hành động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy ESG và tăng cường kinh tế tuần hoàn.
Quản trị rủi ro chống BĐKH gắn với quản trị công ty tốt sẽ tạo ra hiệu ứng cho các vấn đề về xã hội (S -Social). Theo bà Thanh, ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà là những vấn đề then chốt đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai.
![]() |
Phát triển phải song hành với xây dựng văn hóa
Trong hơn hai năm vừa qua, có nhiều doanh nghiệp đã ứng phó và “sống sót” vượt qua cơn bão Covid-19. Một trong những yếu tố quan trọng giúp họ làm được điều này là nền tảng văn hóa doanh nghiệp, như lực đỡ và cũng là lực đẩy cho các doanh nghiệp. Do vậy, văn hóa là yếu tố không thể thiếu khi kiến tạo chiến lược phát triển bền vững.
Nói về điều này, bà Thanh tâm huyết: “Văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp”. Nhận thức như vậy, nói đi đôi với làm, bà Thanh đã dẫn đắt Deloitte Việt Nam trở thành một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu EDGE cấp độ MOVE - một trong những chứng chỉ uy tín và có giá trị nhất về bình đẳng giới trên thế giới, cũng là doanh nghiệp tiên phong thực thi hiệu quả văn hóa đa dạng, bao trùm và thúc đẩy bình đẳng giới.
Kể từ năm 2018, Deloitte đã triển khai một chiến lược toàn cầu mang tên ALL IN nhằm đảm bảo việc sự đa dạng, hòa nhập và bình đẳng giới được thực thi triệt để. Đây là một chiến lược hiện thực hóa văn hóa đa dạng và bao trùm từ bên trong ra với cấp độ cao nhất. Thực thi ALL IN nhất quán tạo cho tất cả người lao động một môi trường khiến họ tự hào, tự tin và được là chính mình nhất. Việc triển khai thành công chiến lược này đã giúp Deloitte Việt Nam giữ chân nhiều nhân tài, gia tăng đáng kể năng suất lao động, khuyến khích nhân viên sáng tạo và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của công ty.
Không dễ dàng để đưa giá trị bình đẳng giới, văn hóa bao trùm và đa dạng từ chiến lược phát triển trở thành tinh thần, giá trị của doanh nghiệp, nhưng bà Thanh đã làm được điều này. Trong nhiều năm qua, bà còn tiếp tục lan tỏa rất nhiều giá trị ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Chủ tịch Hội đồng sáng lập Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE)…
NLCT của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến trung ương. Điều này cũng thể hiện cho sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, phát triển bền vững là một hành trình dài hạn. Để các doanh nghiệp đang thực sự quan tâm đến vấn đề này có thể phát triển một cách tốt hơn, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đa cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn… “Phát triển bền vững là một hành trình không dễ dàng, thậm chí có đoạn sẽ phải lần mò, nhưng đây chính là hành trình mà các doanh nghiệp phải đi theo. Sự kiên định, bền bỉ và quyết tâm từ chính các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đi tiên phong cùng sự hỗ trợ của các hiệp hội, các công ty tư vấn, tôi tin rằng chúng ta có thể kiến tạo một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững”, bà Thanh khẳng định.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
