VAMC – 10 năm một chặng đường
Những thành tựu
VAMC ra đời trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013 với sứ mệnh là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo sát sao của NHNN, với nỗ lực của Ban Lãnh đạo cùng các cán bộ nhân viên, VAMC đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý nhanh, dứt điểm, có hiệu quả nợ xấu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Thứ nhất, do là đơn vị mới thành lập chưa có tiền lệ, VAMC đã lập tức xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức và cán bộ, ban hành quy trình quy chế các mặt hoạt động nhằm đảm bảo việc vận hành và thực hiện tốt theo chức năng nhiệm vụ được giao.
![]() |
Thứ hai, tập trung hoàn thành tốt những nhiệm vụ đề ra, với kết quả mua nợ luỹ kế đến nay là hơn 27 nghìn khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của 17 nghìn khách hàng với giá mua nợ hơn 378 nghìn tỷ đồng và tổng dư nợ gốc nội bảng hơn 412 nghìn tỷ đồng; mua 400 khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của 203 khách hàng, với giá mua nợ hơn 12.900 tỷ đồng và dư nợ gốc nội bảng hơn 12.200 tỷ đồng. Kết quả mua nợ của VAMC đã góp phần quan trọng trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về dưới 3%. Ngoài ra, VAMC đã xử lý được hơn 333 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, đạt 79% tổng số dư nợ gốc đã mua.
Thứ ba, nhờ tác động tích cực từ Nghị quyết 42/2017/QH14 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá khoản nợ/tài sản bảo đảm do VAMC trực tiếp thực hiện cũng được đẩy mạnh. Lũy kế từ năm 2018 (năm đầu tiên VAMC thực hiện đấu giá) đến nay, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 24 tài sản với tổng số tiền trúng đấu giá đạt hơn 2.500 tỷ đồng. VAMC đã tích cực phối hợp với Tòa án, cơ quan Thi hành án các cấp hỗ trợ các TCTD trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản bảo đảm và khoản nợ, hỗ trợ TCTD tiến hành khởi kiện, đôn đốc thu hồi nợ đối với các khách hàng. VAMC là đơn vị đầu tiên trong ngành Ngân hàng triển khai thực hiện văn bản phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp thông qua làm việc với Tổng Cục Thi hành án.
Thứ tư, thực hiện tốt vai trò trong hoạt động tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. Thực hiện định hướng của Chính phủ nêu tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong thời gian qua, thông qua hoạt động mua bán, xử lý nợ, VAMC đã góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ) theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường được VAMC triển khai từ năm 2017 và ngày càng được đẩy mạnh qua các năm đã góp phần tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường
VAMC đã tích cực thể hiện vai trò là công cụ giúp NHNN xác định và minh bạch nợ xấu, giúp NHNN có những biện pháp kiểm soát tốt hơn đối với hệ thống TCTD nói chung và từng TCTD nói riêng. Nhằm hỗ trợ khách hàng có triển vọng vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng, VAMC đã phối hợp với các TCTD rà soát, đánh giá tình hình tài chính, năng lực hoạt động của các khách hàng có nợ xấu, từ đó phân loại và đề xuất áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi vay theo quy định.
Trong những năm qua, nhờ bán nợ cho VAMC, TCTD đã giảm được áp lực tài chính, có thêm nguồn vốn tăng trưởng hoạt động tín dụng, thêm công cụ trong xử lý nợ. Bán nợ cho VAMC đã giúp các TCTD tách được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về dưới 3%. Việc bán nợ cho VAMC đã giúp TCTD không phải trích lập dự phòng rủi ro ngay mà được phân bổ trích lập dự phòng rủi ro hàng năm trong thời hạn 5-10 năm tuỳ thuộc vào thời hạn của trái phiếu đặc biệt, qua đó giảm áp lực tài chính cho TCTD và thêm nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế. Ngoài ra, các TCTD được sử dụng trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn tại NHNN để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng khả năng thanh khoản, mở rộng cho vay và tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, VAMC đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu; đồng thời xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy trình nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định của pháp luật. Những ý kiến đóng góp của VAMC đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng cũng như các quy định pháp luật liên quan khác.
Thứ năm, vai trò là trung tâm trong thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Cùng với việc thúc đẩy hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, VAMC đã tăng cường, củng cố vai trò của mình trên thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam, thông qua thành lập, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC và thúc đẩy hoạt động của Câu lạc bộ Xử lý nợ (CLB AMC).
Sàn giao dịch nợ VAMC khai trương và đưa vào hoạt động vào tháng 10/2021, góp phần minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu/TSBĐ, thúc đẩy thanh khoản thị trường. Mặc dù mới hoạt động trong thời gian ngắn, Sàn giao dịch nợ VAMC đã đạt được những kết quả quan trọng với 188 thành viên; ký 20 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ và 13 hợp đồng tư vấn khoản nợ; thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ/TSBĐ trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị khoản nợ là 40.215 tỷ đồng và tổng giá trị TSBĐ là 654 tỷ đồng; hỗ trợ TCTD xử lý thành công 311 khoản nợ/TSBĐ với giá trị 696 tỷ đồng thông qua đăng thông tin trên website.
Với vai trò là đơn vị chủ trì đề xuất và vận động thành lập CLB AMC, VAMC luôn tích cực, chủ động điều phối hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ. Đến nay, CLB AMC đã thu hút, duy trì 23 Hội viên từ các AMC của các TCTD Việt Nam và 2 Hội viên liên kết là OK DTC và Welcome DTC; tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm về xử lý nợ xấu; tổng hợp các ý kiến của hội viên và báo cáo đề xuất các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các AMC đối với Quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính; tham gia các hội thảo, tọa đàm liên quan đến lĩnh vực xử lý nợ do NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và các đơn vị khác tổ chức…
Thứ sáu, VAMC luôn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, thiết lập mối quan hệ với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thống nhất hợp tác toàn diện về xử lý nợ xấu với một số TCTD và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, VAMC đã tích cực hợp tác và tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài, ký kết thoả thuận hợp tác với Kamco (Công ty quản lý tài sản của Hàn Quốc), SAM (Công ty quản lý tài sản của Thái Lan); trở thành Thành viên chính thức và tham gia tích cực các hoạt động của Hiệp hội xử lý nợ công Châu Á (IPAF); tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực Ngân hàng Việt Nam do SECO tài trợ uỷ thác qua WB…
Chinh phục những mục tiêu sắp tới
Tiếp nối những thành công đạt được trong 10 năm qua, thời gian tới, nhằm góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, triển khai tích cực Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, VAMC tiếp tục hoàn thiện tổ chức, tập trung phát triển các nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực trong hoạt động xử lý nợ; đồng thời phát triển thị trường mua bán nợ mà trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm. VAMC dự kiến tích cực đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ mới như tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp, bảo lãnh... nhằm duy trì, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khách hàng, trên cơ sở đó VAMC thu hồi nợ. Đồng thời mở rộng hoạt động theo nguyên tắc thị trường đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tăng tính bền vững trong hoạt động của VAMC.
Tin tưởng rằng trên nền tảng từ những thành công bước đầu, VAMC sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới, góp phần vào công cuộc xử lý nợ xấu của nền kinh tế nói chung và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng nói riêng.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
