Tựa vào dân làm kho quỹ
![]() | Họ đã sống một thời như thế |
![]() | 50 năm vẹn nghĩa, trọn tình |
Suốt nhiều năm trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, khi cuộc chiến diễn ra ác liệt ở khắp các chiến trường, các cán bộ - chiến sĩ ngân hàng của Ban Ngân tín R (phiên hiệu là C.32) đã phải dũng cảm ẩn mình trong lòng địch. Đồng thời linh hoạt dựa vào sự giúp đỡ, bao bọc của người dân để hoàn thành những nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản kho tiền và cấp phát cho các đơn vị trên khắp các mặt trận của chiến trường Nam bộ.
![]() |
Các cán bộ - chiến sĩ C.32 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (trong ảnh: Ông Lê Công Thượng đứng bìa trái) |
Bám dân mà hoạt động
Ông Lê Công Thượng - nguyên cán bộ Ban Ngân tín C.32, không thể quên được vào giữa năm 1968 theo đề nghị của Trung ương Cục miền Nam, Trung ương Đảng đã chỉ đạo ngành Ngân hàng bổ sung cán bộ vào chiến trường miền Nam nhằm thực hiện các nhiệm vụ tài chính - tiền tệ.
Đoàn B.68 của ngành Ngân hàng với hơn 450 cán bộ lên đường Nam tiến, từ các tỉnh Bình Trị Thiên trở vào, các cán bộ ngân hàng đi theo đoàn được “nhả” xuống. Số cán bộ này kết hợp với những cơ sở có sẵn tại địa phương thành lập Ban Ngân tín tỉnh, do Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách. Tất cả những anh em được phân công đi tiếp vào Trung ương Cục miền Nam phải đi bộ ròng rã nhiều ngày để vào Tây Ninh phối hợp với các cán bộ nằm vùng sau tập kết, thành lập Ban Ngân tín R (C.32) rồi phân tỏa đi các tỉnh Đông và Tây Nam bộ để nằm vùng và hoạt động.
![]() |
Cán bộ - chiến sĩ đoàn B.68 tại Trung ương Cục miền Nam (ảnh tư liệu của Ban lien lạc C.32) |
“Vào đến R tháng 9/1968 thì tháng 3/1969 tôi được phân về phụ trách công tác ở chiến trường Bến Tre. Thời điểm đó Bến Tre được xem là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Đường dây giao liên A210 nối hai xã Lương Hòa-Phong Mỹ (Trạm B4) là một trong 18 đường dây giao bưu vận của miền Nam - một mắt xích trọng yếu trong hệ thống giao thông huyết mạch vận chuyển thư từ, vũ khí, hàng hóa, đưa đón cán bộ, bộ đội liên tỉnh từ Trà Vinh - Bến Tre - Gò Công lên Miền (tức Ban Quân sự Miền chiến trường B2) hoặc Trung ương Cục”. (…)
“Khi chúng tôi đến nơi, nhiệm vụ chính được giao là thu phát kinh phí nhưng chiến trường quá ác liệt, những lúc có địch càn thì phải tham gia chiến đấu cùng với anh em du kích. Tiền bạc tiếp nhận được, đựng trong thùng đại liên của Mỹ, khi có lính càn thì đạp xuống mương. Giặc càn xong lại trở về móc lên”, ông Thượng kể lại.
![]() |
Xe vận chuyển tiền và hàng hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu của Đoàn 559 – Bộ Tư lệnh Trường Sơn) |
Vì chiến trường khu vực miền Tây Nam bộ quá ác liệt, việc vận chuyển, cất giấu tiền bạc tiếp tế từ miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó các cán bộ ngân hàng phải trực tiếp làm nhiệm vụ vận động nhân dân quyên góp tiền - hàng cho kháng chiến. “Chúng tôi lúc đó ăn với dân, ở với dân. Sống mà hoạt động được cũng là vì người dân bảo bọc, chứ những năm 71-72 địch và ta giành nhau từng khúc đường, từng cứ điểm. Nhiều chỗ chỉ cần đi qua một con đường mà phải nằm trực cả tháng trời không sao qua nổi. Khi đó, nhờ có người dân ở địa phương chúng tôi mới có thể bám trụ và hoạt động được. Mỗi chỗ chúng tôi ở lại dăm bảy ngày, nghe dân báo có địch đi càn thì lại di chuyển, tìm chỗ cất giấu tài sản cách mạng. Hễ thấy êm êm thì lại tiếp tục quyên góp, phân phát tiền bạc cho các đơn vị trong vùng”, ông Thượng nói tiếp.
Quên mình cứu tiền nuôi cách mạng
Cứ bám chặt lấy người dân ở các địa phương để vừa hoạt động vừa chiến đấu như vậy, trong suốt gần 10 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ các cán bộ - chiến sĩ của “tổng kho” C.32 đã làm nên những kỳ tích lịch sử. Hàng triệu đô la Mỹ được chuyển bí mật bằng đường bộ và đường hàng không vào miền Nam được C.32 đổi ra các loại tiền bản địa như tiền Sài Gòn, tiền Riel, tiền Baht… để phục vụ nhu cầu tài chính cho cách mạng.
Việc vận chuyển, cất giấu các loại tiền và cấp phát cho các đơn vị theo lời kể của ông Thượng là hết sức khó khăn, nhiều khi phải chấp nhận hy sinh cả tiền và người để khỏi bị lộ đường dây hoạt động của đơn vị. Nhiều khu vực phải ẩn mình ngay cạnh đồn của địch, tiền bạc chôn giấu bị địch đánh hơi, đốt phá. Nhất là các cán bộ hoạt động trên đất Campuchia thường xuyên giáp mặt các nhóm Kh’mer Đỏ, bị chúng xét chặn, lục soát gắt gao phải “lót tay” mới có thể giữ bí mật để tiếp tục nhiệm vụ. Mặc dù vậy trong suốt thời gian gần 10 năm kháng chiến công việc tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu và cấp phát tiền - hàng vẫn được C.32 thực hiện liên tục và bài bản.
![]() |
Cuộc họp của các cán bộ B.68 một vài năm sau khi tiếp quản hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn |
Theo đó, tiền từ Trung ương chuyển vào được C.32 báo về cho Quỹ Ngoại tệ đặc biệt – B.29 tại Hà Nội để đơn vị này chuyển khoản bằng đô la Mỹ trả các “khách hàng” đã trao đổi và tài trợ. Khi đã chuyển xong, B.29 sẽ thông báo cho C.32 biết số tiền đã chi trả để C.32 vào sổ kế toán và thực hiện các công tác lưu giữ, thống kê. Sau khi nhận tiền và cất giấu, C.32 thực hiện cấp phát các loại tiền cho các khối Dân - Chính - Đảng tại chiến trường miền Nam theo hình thức gối đầu từng tháng. Đối với các chi nhánh Ngân tín tại các tỉnh, thành đơn vị cũng thực hiện cấp phát theo hạn mức hàng quý sau khi trừ số thu tại địa phương. Riêng với chiến trường Campuchia, mỗi quý C.32 đều thực hiện vận chuyển tiền đến khu vực biên giới để giao nhận với các đơn vị quân đội.
Như vậy, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm của các cán bộ - chiến sĩ “kho quỹ” C.32, guồng máy kinh tài trong thời kháng chiến đã hoạt động một cách rất hiệu quả và không kém phần chuyên nghiệp. Gần 530 triệu đô la Mỹ và nhiều loại tiền tệ nước ngoài đã được các đơn vị của Ban Ngân tín R thực hiện chuyển đổi, cất giấu, vận chuyển và cấp phát trong vòng bí mật nhưng vẫn được ghi chép, thống kê một cách rõ ràng mạch lạc.
Và cũng chính nhờ sự mưu trí dũng cảm của những cán bộ - chiến sĩ ngân hàng thời điểm ấy, sau chiến thắng lịch sử tháng 4/1975 với danh nghĩa Ban Quân quản K3 – các cán bộ ngân hàng đã nhanh chóng hoàn thành việc tiếp quản hệ thống ngân hàng tại khu vực Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Kế thừa hiệu quả những thành quả trong cuộc kháng chiến để lại, giúp ngành Ngân hàng Việt Nam nhanh chóng gây dựng được hệ thống xuyên suốt từ Bắc chí Nam. Đặt nền tảng cho những năm sau Chính phủ tiến hành thống nhất tiền tệ chung của cả nước và chuyển đổi toàn bộ hệ thống Ngân hàng từ mô hình một cấp sang mô hình hai cấp trong thời kỳ đổi mới và vận hành theo cơ chế thị trường cho đến ngày nay.
(Ghi theo lời kể của ông Lê Công Thượng, nguyên cán bộ - chiến sĩ C.32 và một số tư liệu của Ban Tài chính đặc biệt N.2683)
Tin khác

Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng biểu dương lao động giỏi
