Tự tin hội nhập ở tâm thế và tầm mức mới
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Hội nhập toàn diện, tích cực, chủ động, mạnh mẽ
Báo cáo Kết quả công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2014-2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế nêu rõ, triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế (ngày 10/4/2013) và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác.
Hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam mở rộng và làm sâu sắc hơn mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện, qua đó tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả cho phát triển, nâng cao thế đứng và năng lực an ninh, quốc phòng của đất nước. Không chỉ vậy, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng tại các diễn đàn khu vực như Mêkông, ASEAN, ASEM, APEC và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, IPU, G20, WEF…
Trong bối cảnh các thể chế đa phương gặp nhiều khó khăn, ta vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thực chất vào các nội dung hợp tác trên các diễn đàn, đặc biệt là đăng cai thành công Năm APEC 2017; tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mêkông mở rộng lần thứ 6, Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào- Việt Nam lần thứ 10, Hội nghị WEF ASEAN tại Hà Nội. Đặc biệt, ta đã góp phần quan trọng vào nỗ lực hoà giải quốc tế với việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Qua các sự kiện trên, Việt Nam đã bước đầu khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, công tác đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và hiện đang thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019... Các FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như CPTPP được thực thi lần lượt vào các năm 2015, 2016, 2019 đã và đang tạo xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam hiện là một trong những nước có mức độ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên xây dựng AEC 2015 và hiện đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của AEC 2025. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tham gia các cuộc đàm phán, các hoạt động trong WTO, sử dụng hiệu quả các cơ chế trong WTO như cơ chế ra quyết định, cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế rà soát chính sách thương mại…
Nhận diện khó khăn và yêu cầu trong tình hình mới
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 5 năm qua hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, thể hiện ở 4 kết quả nổi bật.
Một là, hội nhập quốc tế đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển, quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Đến nay, hội nhập đã đi vào giai đoạn cao hơn, thực chất hơn với vai trò thúc đẩy đối thoại, hòa giải và tìm những hướng đi mới.
Hai là, qua hội nhập, chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của người dân, DN.
Ba là, hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã có 11 FTA có hiệu lực, đang thúc đẩy EU thông qua EVFTA và 4 FTA đang đàm phán. Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế.
Bốn là, nhận thức về hội nhập quốc tế của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân ngày càng sâu sắc hơn và có những bước tiến vượt bậc.
Nêu ra những con số nổi bật về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua, Thủ tướng khẳng định, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng làm cho nội lực quốc gia mạnh hơn và tác động trở lại làm cho hội nhập quốc tế thành công hơn. Từ đó chúng ta thêm tự tin tiếp tục triển khai ngày càng hiệu quả ở tâm thế và tầm mức mới, cao hơn.
Nhấn mạnh “thắng không kiêu, bại không nản”, Thủ tướng cho rằng, phải thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm sâu sắc và làm tốt hơn. Trong hội nhập quốc tế ngày càng phổ biến nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở, trong khi có những lúc tư duy của ta chưa đủ nhạy bén, linh hoạt để theo kịp xu thế này. Vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán.
Bên cạnh đó, hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa cao, cùng với những hạn chế về trình độ quản lý trở thành những cản trở phát triển, những kẽ hở cho những thua thiệt (các vụ kiện, tranh chấp quốc tế). Việc thông tin cho doanh nghiệp và người dân về hội nhập quốc tế, các FTA và chuẩn bị các điều kiện cần thiết còn hạn chế, chậm chạp…
Theo Thủ tướng, cần lưu ý một số vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước như môi trường quốc tế biến động nhanh và phức tạp; hợp tác và cạnh tranh, đối tác và đối tượng luôn đan xen, biến đổi linh hoạt; tự do hóa và mở cửa thị trường đi đôi với những hình thức bảo hộ tinh vi thông qua những hàng rào kỹ thuật; số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế gia tăng…
Cho rằng thời gian vừa qua, đã xuất hiện một số biểu hiện phản cảm, lệch lạc, đạo đức, văn hóa xuống cấp, môt phần do tác động mặt trái của hội nhập mang lại, Thủ tướng lưu ý, chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Đặc biệt lưu ý những yêu cầu mới về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương: “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương” theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là yêu cầu mới, rất cao và rất quan trọng đối với đất nước.
“Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi DN và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập. Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước, mặt khác không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua”, Thủ tướng cương quyết.
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới
