Trong một thế giới bất định, Việt Nam sẽ ra sao?
Đáng chú ý vị này cho rằng, dù trong trường hợp Hiệp định TPP không được phê chuẩn, quỹ đạo phát triển đầy triển vọng của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng trong một thế giới đầy biến động, đến mức “chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta đang sống trong một thế giới không chắc chắn” thì những chính sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết đoán hơn cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam cần lưu tâm.
![]() |
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tác động nhất định đến Việt Nam theo những cách khác nhau |
Có lợi nhất chưa chắc phải chịu thiệt hại nhất
Liên quan đến TPP, dù xác định đây là một hiệp định được nhìn nhận rất thách thức với Việt Nam nhưng nhiều phân tích theo dòng thời gian gần đây đều nêu bật “vị thế hưởng lợi nhiều nhất” của Việt Nam khi tham gia hiệp định này.
Và nếu theo quy luật thông thường, khi “thách thức luôn song hành cùng cơ hội” hay “lợi nhuận lớn luôn đi kèm với rủi ro cao” thì một khi TPP không được phê chuẩn như kỳ vọng, Việt Nam đương nhiên sẽ là nước thành viên chịu thiệt hại nhiều nhất. Nhưng các quy luật như vậy đâu chắc luôn luôn đúng.
CEO Phạm Hồng Hải cho rằng, nếu TPP không được phê chuẩn như kỳ vọng thì đơn giản là Việt Nam sẽ mất đi (hay ít nhất là phải tạm “hoãn lại”) một cơ hội tiềm năng cho phát triển mạnh hơn chứ không phải là sẽ phải trải qua suy giảm tăng trưởng. Bởi về cơ bản, Việt Nam vẫn đang trên một quỹ đạo phát triển đầy triển vọng. “Đây có lẽ là nền kinh tế duy nhất tại ASEAN cho thấy khả năng cạnh tranh tốt ở ngành sản xuất trong trung hạn” – vị CEO này nhìn nhận.
Nhận định này được đưa ra dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và đầu tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Dòng FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam mạnh mẽ giúp nền kinh tế nắm bắt thị phần lớn hơn của các thị trường xuất khẩu toàn cầu; Sự chuyển mình từ một nước xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp sang trung tâm sản xuất chế biến, chế tạo; Nỗ lực tăng cường cải thiện môi trường và hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư và kinh doanh; Có kế hoạch giảm thuế và các thủ tục giấy tờ mang tính hành chính, quan liêu đối với DN; Đã và đang tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA với các nước, khu vực…
Đây chính là những biểu hiện cho thấy, quỹ đạo phát triển này của Việt Nam dường như sẽ tiếp tục dù TPP chưa được phê chuẩn để có hiệu lực. Tuy nhiên, một cảnh báo cũng được vị CEO này đưa ra, đó là động lực cho cải cách có thể vì thế mà chậm lại.
Về vấn đề Brexit, nếu chỉ tính riêng sự kiện này thì tác động đến Việt Nam không lớn. Nhưng nếu như có thêm nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là các nền kinh tế lớn cũng muốn trưng cầu dân ý như Anh vừa qua (và có thể dẫn đến một kết quả giống Anh) thì tác động của một EU phân rã lên Việt Nam sẽ vô cùng lớn.
Ông Hải lưu ý đến vấn đề này bởi theo một khảo sát gần đây của University of Edinburgh, tỷ lệ người được hỏi cho biết muốn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU của 4 nền kinh tế lớn nhất (gồm Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Đức – xếp theo tỷ lệ giảm dần) là khá cao.
Theo ông Hải, những biến động lớn và bất thường trên thế giới như vậy cho thấy, Việt Nam không thể dựa hoàn toàn vào xuất khẩu vì có nhiều biến động nằm ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam. “Làm sao tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước chính là hướng bền vững hơn để phát triển kinh tế trong tương lai” – vị này khuyến nghị.
![]() |
Khảo sát của University of Edinburgh cho thấy, tỷ lệ người được hỏi muốn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU 4 nền kinh tế lớn nhất EU khá cao |
Bốn kịch bản kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ
Vị CEO này cho rằng, diễn biến bầu cử ở Mỹ cũng như quá trình Brexit, sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần dự báo xem nếu các ứng cử viên này (bà Clinton và ông Donald Trump) trở thành Tổng thống Mỹ thì chính sách của họ sẽ là gì, tác động đối với Việt Nam như thế nào và chúng ta cần làm gì để tận dụng được các cơ hội ngay từ những thách thức đó.
CEO HSBC Việt Nam đã đưa ra 4 kịch bản về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây, theo đó là dự báo các chính sách sẽ được tân Tổng thống Mỹ thực hiện và những cản trở hay thuận lợi có thể gặp phải từ lưỡng Viện Mỹ. Cụ thể, kịch bản thứ nhất là bà Clinton thắng cử nhưng lưỡng Viện vẫn được kiểm soát bởi đảng Cộng hòa.
Điều này hàm ý là sẽ không có nhiều điều bà Clinton có thể làm được vì phải được phê chuẩn của lưỡng Viện (như Chính phủ của ông Obama từng gặp phải). Với kịch bản này thì kinh tế Mỹ sẽ không có nhiều thay đổi. Tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn “bình bình” như hiện tại và Fed sẽ vẫn áp dụng chính sách tương đối ôn hòa với khả năng tăng lãi suất sẽ diễn ra chậm.
Kịch bản thứ hai là nếu như bà Clinton thắng và đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng Viện. Kịch bản này xảy ra sẽ tạo dư địa thuận lợi hơn cho bà Clinton trong triển khai các chính sách đã cam kết của mình.
Đơn cử, phần tăng thu thuế của người giàu (như cam kết chính sách mà ứng cử viên này đưa ra) sẽ được dùng để tăng đầu tư vào các chương trình chi tiêu của Chính phủ và như vậy sẽ giúp tăng trưởng GDP cao hơn, đồng thời Fed sẽ phải tăng lãi suất lên để phù hợp với xu hướng này.
Ở kịch bản thứ ba, ông Donald Trump thắng cử. Lưỡng Viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát nhưng trong đó vẫn còn nhiều nhóm bảo thủ trong lưỡng Viện và họ không muốn có những thay đổi quá lớn, chẳng hạn trong quan hệ thương mại (trái ngược với điều mà ông Donald Trump là xem xét lại các hiệp định thương mại).
Trong kịch bản này, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể tăng lên trong ngắn hạn. Nhưng xét về dài hạn sẽ giảm vì Mỹ không có luồng lao động mới, chi phí rẻ (do ông Donald Trump tuyên bố sẽ không cho phép lao động nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ), đồng thời lạm phát cũng sẽ tăng lên vì chi phí sẽ tăng lên nên Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất trong thời gian đầu.
Ở kịch bản thứ tư – cũng được xem là kịch bản “tồi tệ” nhất là ông Trump thắng cử và ông ấy có thể làm tất cả những gì đã cam kết, như muốn đưa ra các cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và Mehico, muốn xem xét Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hay đuổi hết các lao động nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Mỹ…
Thử hình dung việc một nước phá giá đồng tiền và các nước khác cũng tham gia vào cuộc đua phá giá này, như vậy cả thế giới sẽ rơi vào tình huống vô cùng phức tạp, rối loạn và bất ổn. Tình huống này vẫn có thể giúp tăng trưởng GDP phục hồi trong ngắn hạn nhưng nếu chiến tranh thương mại thực sự xảy ra thì rõ ràng về lâu dài sẽ không có kết quả tốt đẹp cho tất cả các bên được. Kết cục là tăng trưởng kinh tế sau đó sẽ suy giảm nhanh.
Vấn đề này sẽ tác động đến Việt Nam thế nào? Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và chắc trong tương lai vẫn vậy. TPP sẽ chịu nguy cơ rủi ro (đặc biệt khi cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều có xu hướng phản đối hiệp định này). Việt Nam cũng sẽ phải quan sát chặt chẽ hơn chính sách của Fed bởi bất kể Fed hành động như thế nào trong tương lai cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.
“Quan điểm của chúng tôi là, hãy hy vọng cho điều tốt đẹp nhất nhưng cũng phải chuẩn bị cho những điều xấu nhất có thể xảy ra” – ông Hải nói. Hơn nữa, Việt Nam thực tế cũng có thể tranh thủ tận dụng được cơ hội từ tình huống này bởi Việt Nam cũng là một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ và Việt Nam có thể hoàn toàn chủ động trong trao đổi với các đối tác thương mại của Mỹ và có thêm nhiều cuộc đối thoại về các hiệp định thương mại mới. Một ví dụ là, nếu NAFTA được xem xét lại thì đó cũng chính là một cơ hội cho Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Fed phản ứng thế nào trước các rủi ro thuế quan?
