Tổng thống Pháp Macron: 10 ngày “marathon” ngoại giao
Gây dựng niềm tin vào EU
Vào cuối năm 2016 do sự kiện Brexit và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tác động mà nhiều người dân châu Âu rơi vào tuyệt vọng. Họ chấp nhận quan điểm cho rằng sự tồn tại của Liên minh châu Âu (EU) trong lịch sử đã đến hồi kết. Tuy nhiên, 6 tháng sau đó mọi thứ đã thay đổi.
![]() |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người theo đường lối ủng hộ hội nhập châu Âu |
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ngày càng có đông người tin tưởng vào tương lai của EU. Tình trạng kinh tế được cải thiện khắp châu lục, sự thất bại của lực lượng dân túy trong cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan và tỷ lệ ủng hộ thấp đối với bà Theresa May – vị lãnh đạo theo đường lối “Brexit cứng” trong cuộc bầu cử vừa rồi ở Anh khiến nhiều người hy vọng rằng châu Âu có cơ hội để tiếp tục tồn tại.
Chiến thắng thuyết phục của ông Emmanuel Macron - ứng cử viên theo đường lối ủng hộ châu Âu trong cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội Pháp khiến nhiều người tin rằng thay vì tan rã, EU có thể sẽ tăng cường hội nhập trong thời gian tới.
Những người ủng hộ tăng cường hội nhập EU hy vọng rằng các cải cách về lao động ở Pháp sẽ thuyết phục người Đức đầu tư nhiều hơn vào các nền kinh tế trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi đó, các kế hoạch tăng cường đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng châu Âu cũng đang được hình thành.
Với các cuộc gặp thượng đỉnh dày đặc, Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu trong vòng 10 ngày để thuyết phục 12 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU về 4 hồ sơ được cho là ưu tiên kể từ ngày 15/5, thời điểm ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống Pháp, bao gồm: vấn đề người lao động “di cư trong nội khối”, chính sách quốc phòng chung, chính sách thương mại và vấn đề người nhập cư.
Chủ đề người lao động “di cư trong nội khối” sẽ mang tính nhạy cảm nhất và đây là vấn đề mà ông Macron dự định giải quyết trong chuyến công du đến Đông Âu lần này, bởi lẽ giống như vấn đề Brexit, việc thiếu sự điều phối về vấn đề người lao động “di cư trong nội khối” có thể phải trả giá đắt cho châu Âu về mặt chính trị.
Hiện tại, Đức, Áo và Hà Lan ủng hộ đề xuất của Pháp đối với vấn đề người lao động “di cư trong nội khối” nhằm hạn chế “phong trào di cư lao động quy mô lớn” và tránh phá giá tiền lương. Quan điểm của các nước này đó là giai đoạn làm việc “di cư trong nội khối” phải đặt hạn mức và tất cả giai đoạn làm “di cư” đối với một người lao động không vượt qua 12 tháng trong vòng 2 năm trong một nước khác.
Một vấn đề khác cũng đóng vai trò quan trọng trong loạt hoạt động đối ngoại này của ông Macron là vấn đề cải tổ Eurozone. Theo Điện Elysée, “cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã cho thấy rằng Eurozone cần phải cải tổ một cách sâu sắc. Chúng ta đã tránh được điều tồi tệ nhất nhưng chúng ta không muốn điều này quay trở lại”. Theo đó, ý tưởng về việc cải tổ này sẽ phải “được làm sâu sắc” vào đầu năm 2018.
Kết nối và hội nhập nội khối
Trong lịch trình châu Âu dày đặc của mình, vị Tổng thống 39 tuổi của Pháp đã lựa chọn những điểm dừng chân đầu tiên là các quốc gia Trung Âu và Đông Âu bao gồm Áo, Romania và nhất là Bulgaria, quốc gia mà không một nguyên thủ Pháp nào “đặt chân” đến kể từ 10 năm nay.
Tổng thống Pháp muốn cho thấy rằng các quốc gia mà ông đến thăm lần này được Pháp rất quan tâm, và chính sách ưu tiên của Pháp chính là Đông Âu, trong bối cảnh các quốc gia phía Đông Âu đang lo sợ chính sách của Pháp dưới thời Tổng thống Macron gây ra tình trạng “tái phân khúc châu Âu”.
Trong chuyến công du ba nước Trung-Đông Âu kéo dài ba ngày 23-25/8 là Romania, Bulgaria và Áo, Tổng thống Pháp Macron đặt ra ba mục tiêu cần đạt được: mở rộng quan hệ hợp tác với các nước thành viên phía Đông của EU, tăng cường bảo vệ thị trường lao động trong nước và tìm kiếm các đối tác ủng hộ việc thúc đẩy hợp tác nội khối trong EU dưới sự lãnh đạo của Pháp và Đức.
Theo đài RFI, ngày 23/8/2017 tại Salzburg, ông Macron đã dễ dàng nhận được sự ủng hộ của Áo trong kế hoạch sửa đổi quy định của Uỷ ban châu Âu năm 1996 về lao động biệt phái. Ông Macron cũng đạt được thỏa thuận nguyên tắc với CH Czech và Slovakia về vấn đề này. Slovakia và CH Czech đã quyết định hợp tác trong việc chống tình trạng lao động biệt phái dựa vào lợi thế bảo hiểm xã hội và lương thấp để giành giật việc làm của người bản địa.
Trong các điểm dừng chân của Tổng thống Pháp Macron thì Romania là đối tác quan trọng khi cả hai nước có nhiều điểm gần gũi về mặt lịch sử. Romania - đối tác lớn ngoài Eurozone - hoàn toàn có khả năng trở thành đối trọng với Ba Lan trong số các nước thành viên EU “mới” trong tương lai.
Trong khi đó, Bulgaria và Áo - hai quốc gia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU trong nửa đầu và nửa cuối năm 2018 - sẽ điều hành các cuộc thảo luận đầu tiên về đề xuất tăng cường hợp tác nội khối của Pháp và Đức cũng như hoàn tất quá trình cải cách Eurozone trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm 2019.
Gần đây Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã khẳng định một cách mạnh mẽ và rõ ràng rằng EU đóng vai trò quan trọng hơn đối với nước này so với Nhóm V4 (Visegrad gồm Slovakia, CH Czech, Ba Lan và Hungary). Điều này cho thấy Slovakia sẽ tiên phong trong việc ủng hộ các sáng kiến tăng cường hội nhập EU của Pháp và Đức.
Mặc dù vậy, cho đến nay CH Czech vẫn có quan điểm tương đối trung dung: không thực sự ủng hộ việc xây dựng nền dân chủ tự do theo kiểu của Ba Lan và Hungary nhưng cũng không sẵn sàng hội nhập thực sự sâu rộng vào EU. Chính vì vậy, cuộc gặp tại Salzburg (Áo) với lãnh đạo nước chủ nhà, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Slovakia Fico được coi là thử thách lớn đối với Czech.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
