Tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế với chi phí vốn thấp
![]() | Làm gì để tăng tín dụng xanh? |
![]() | Tăng tín dụng, chú trọng chất lượng |
![]() | Củng cố lòng tin tạo nền tảng tín dụng |
![]() |
Tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế nhờ chi phí vốn thấp |
Thuận lợi tiếp cận vốn giá rẻ
Kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo điều kiện cho các TCTD điều chỉnh lãi suất phù hợp, miễn giảm một số phí dịch vụ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Chính vì thế mà trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài thì nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả. Đơn cử, theo Tổng Giám đốc Công ty TPTech quốc tế Nguyễn Hữu Khôi cho biết, xu hướng các nhà máy đang dịch chuyển dần về Việt Nam nên nhu cầu sử dụng bảo ôn cách nhiệt nhiều. Lượng đơn hàng năm 2021 đã cải thiện rõ rệt, dự kiến trong quý II sẽ tăng 30% so với cuối năm 2020. Không chỉ trong nước, doanh nghiệp còn xuất khẩu được 10% ra nước ngoài. Lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định vay vốn để gia tăng sản xuất khi lượng đơn hàng đã tăng trở lại và được ngân hàng chấp thuận.
Để kích thích vốn vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều gói vay lãi suất hấp dẫn tiếp tục được các ngân hàng đưa ra. Từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Tại Agribank đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021, ngân hàng này giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên nhưng không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Ngày 16/7, Vietcombank thông tin về "đợt giảm lãi suất lớn nhất" trong năm với quy mô 1.800 tỷ đồng, áp dụng bắt đầu từ nay đến hết năm 2021. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 7 mà Vietcombank thực hiện, để hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ năm 2020.
Cụ thể, ngân hàng này áp dụng mức giảm cao nhất là 1%/năm dành cho các doanh nghiệp vay thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng đại dịch. Với khách hàng cá nhân, mức giảm cao nhất là 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, 0,5%/năm với khách hàng vay vốn phục vụ đời sống.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2% cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Căn cứ vào thực trạng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí. Với các doanh nghiệp xây dựng đang vật lộn với giá nguyên vật liệu tăng cao, ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ với hạn mức 800 tỷ đồng lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm, giảm phí bảo lãnh đến 55%, các loại phí dịch vụ khác giảm từ 10-20%.
Là một doanh nghiệp đã tiếp cận gói vay vốn với lãi suất giảm hơn 1% trong thời gian qua Chủ tịch Công ty TNHH đầu tư Công nghệ mới Việt Thành Nguyễn Xuân Linh khẳng định, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty, đây là liều thuốc quan trọng. Khi khó khăn, phần lãi giảm sẽ giúp doanh nghiệp san sẻ được rất nhiều khoản chi phí.
Tạo đà để tiếp tục hỗ trợ
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cải thiện nhờ tăng trưởng tín dụng hồi phục, trong khi chi phí huy động vốn thấp là những yếu tố thúc đẩy ngân hàng phát triển, tạo nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021 của VNDirect vừa được công bố, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng có thể đạt 13% trong năm nay. Mức tăng trưởng này được VNDirect đưa ra dựa trên kỳ vọng nhu cầu quốc tế phục hồi thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nửa cuối năm 2021. Đồng thời, lãi suất cho vay thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay thúc đẩy các doanh nghiệp vay thêm các khoản vay mới để phục vụ hoạt động.
Để tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu vay vốn nhờ vào mặt bằng lãi suất cho vay thấp. Bởi, kích thích tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn liên quan tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát rủi ro. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A,B,C... và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Các ngân hàng ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, quản trị rủi ro tốt sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, để việc cho vay có chất lượng và bền vững, không bị vướng vào nợ xấu thì các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng chứ không phải chỉ quá tập trung dựa vào tài sản thế chấp. Nhà băng cần xem xét tiêu chí cho các khách hàng vay vốn dựa trên khả năng trả nợ từ nguồn thu nhập, nguồn trả lương, nguồn kinh doanh, lịch sử trả nợ tín dụng tốt để cho vay đúng người, đúng địa chỉ.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
