Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ trần nợ công
Hạ viện Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ mới |
Dự luật về trần nợ công vừa được thông qua tại Thượng viện Mỹ tối 1/6 theo giờ địa phương (sáng 2/6 giờ Hà Nội) với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, trong bối cảnh các nhà lập pháp chạy đua với thời gian để ngăn chính phủ vỡ nợ sau nhiều tháng tranh cãi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, Mitch McConnell, đã tuân thủ đúng cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để đẩy nhanh phê chuẩn dự luật mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã thống nhất.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sau khi được thông qua cả ở Hạ viện và Thượng viện, dự luật sẽ được trình Tổng thống Joe Biden để ký ban hành trước ngày 5/6 - thời điểm chính phủ liên bang không còn tiền để thanh toán các khoản chi phí, theo khuyến cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Với tên gọi chính thức là Đạo luật trách nhiệm tài khóa, dự luật này được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhằm giúp Mỹ thoát cảnh vỡ nợ.
Tổng thống Biden ca ngợi hành động kịp thời của lưỡng viện.
"Tôi muốn cảm ơn lãnh đạo Schumer và lãnh đạo Mcconnell vì đã nhanh chóng thông qua dự luật trần nợ công", Tổng thống Biden phát biểu sau quyết định của Thượng viện Mỹ, đề cập tới vai trò của lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.
"Thỏa thuận được thông qua giữa lưỡng đảng này là thắng lợi lớn cho nền kinh tế của chúng ta", Tổng thống Biden nhấn mạnh. "Tôi mong chờ được ký dự luật thành luật càng sớm càng tốt và công bố tới người dân ngày 2/6".
Trước đó 1 ngày, với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Biden nhất trí được một thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào ngày 27/5, sau nhiều tuần đàm phán.
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025, giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD cho hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng 1% chi tiêu an ninh trong tài khóa 2025.
Trước đó, bế tắc kéo dài trong đàm phán trần nợ khiến nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ đã tạo ra tâm lý hoang mang với thị trường. Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái kinh tế, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Fed phản ứng thế nào trước các rủi ro thuế quan?
