Thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Nhằm đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bên cạnh việc đầu tư công nghệ và phương thức quản lý, rất cần chú trọng đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó giai đoạn 2021-2025, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%...
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năng suất, chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó Chương trình đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo….
![]() |
Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp |
Theo báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Từ đầu năm 2021 đến nay, do tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Trong 4 tháng đầu năm 2021, có 51.496 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 28.349 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 55,1%.
Trên thực tế, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất vì đại dịch là may mặc (97% doanh nghiệp), thông tin, truyền thông (96% doanh nghiệp), thiết bị điện (94% doanh nghiệp), sản xuất xe có động cơ (93% doanh nghiệp)… Theo khảo sát, có đến 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Trong số đó, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ…. Theo VCCI, trước nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng chủ động ứng phó và áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, gia tăng quá trình chuyển đổi số, thay đổi mô hình tổ chức quản lý, mô hình kinh doanh, đầu tư công nghệ… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, tham gia sâu hơn vào các chuỗi ung ứng toàn cầu.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn cầu, May 10 tiếp tục đưa ra những giải pháp kịp thời, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo thu nhập cho người lao động nhằm giữ ổn định nguồn lực lao động. Tổng công ty đã tích cực tìm các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp lại nhân sự cũng như mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến tiền lương, đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ sản xuất mới, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất để đảm bảo thu nhập cho người lao động và cổ tức cho các cổ đông. Một bước tiến quan trọng trong năm 2020 là phần mềm thiết kế 3D được áp dụng rộng rãi trong thiết kế mẫu, nhiều khách hàng đã dần tin dùng các sản phẩm tạo trên 3D, duyệt ngay mẫu 3D, fit mẫu, bỏ qua giai đoạn may mẫu, giúp tiết kiệm thời gian, nhân công và nguyên vật liệu may mẫu. Với những định hướng và giải pháp kịp thời, thời gian qua May 10 vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất và đảm bảo cuộc sống cho người lao động. “Để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới, cần phải tiếp tục ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ và quan trọng nhất là cần thay đổi về mặt tư duy. Nghiên cứu xây dựng những mô hình chuyền mới, các tổ chức sản xuất mới để tăng năng suất lao động”, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid ảnh hưởng toàn cầu thì các doanh nghiệp không thể tư duy theo cách truyền thống, mà cần phải đẩy nhanh quá trình phát triển về khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi số, nhất là khó khăn về nguồn vốn để đầu tư công nghệ nên rất cần các tổ chức tín dụng vào cuộc.
Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, áp dụng các giải pháp tăng năng suất, chất lượng để bắt nhịp xu thế phát triển trên thế giới. Để thành công và vượt giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp cũng mong muốn và rất cần có sự đồng hành của các cơ quan nhà nước và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển đầu tư khoa học...
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
