Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi trong thận trọng
Thị trường trái phiếu sau khi phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 (với giá trị phát hành mới tăng gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước) đã chững lại trong tháng 4. Các chuyên gia nhận định, xu hướng phục hồi của thị trường trong vài tháng tới có thể chưa thực sự rõ nét, xen giữa những tháng có giá trị phát hành tăng tốc mạnh, sẽ có tháng thị trường lại rơi vào trạng thái trầm lắng, nghe ngóng tâm lý nhà đầu tư.
Tín hiệu tích cực từ hoạt động đàm phán, gia hạn nợ
Theo số liệu thống kê của VnDirect, tính từ đầu tháng 4 cho đến ngày 24/4 trên thị trường không ghi nhận đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới nào được thực hiện. Hoạt động mua lại trước hạn cũng chững lại, với hơn 4.833 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại trong tháng 4; nâng tổng giá trị mua lại trước hạn trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 39.388 tỷ đồng.
Thay vì tập trung vào phát hành mới hoặc mua lại trước hạn, trong tháng 4 thị trường ghi nhận hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa tổ chức phát hành với các trái chủ diễn ra tích cực hơn. VnDirect cho biết, hiện đã có trên 20 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); chiếm khoảng 1/3 tổng số công bố chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu.
![]() |
Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa sôi động trở lại ngay quý II. |
Cụ thể, tính đến ngày 24/4/2023 có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các đơn vị này vào khoảng 152.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Riêng trong năm 2023, hơn 45.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm nay.
Số lượng tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận sau đàm phán với trái chủ không quá lớn, song phần nào đã cho thấy tín hiệu tích cực khi các bên tìm được tiếng nói chung và chấp nhận cùng “lùi lại một bước” để làm dịu bớt áp lực thanh khoản trên thị trường.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, thời gian qua doanh nghiệp đã thực hiện nhiều phương án để vừa đàm phán với trái chủ, vừa cơ cấu lại danh mục tài sản nhằm khơi thông dòng tiền, gỡ điểm nghẽn thanh khoản. Đối với trái phiếu sắp đến hạn, khi Nghị định 08 ra đời, Hưng Thịnh đã ngồi lại với trái chủ để trình bày kế hoạch kinh doanh, phương án để xin gia hạn và phương án tất toán đúng hạn. Bên cạnh đó, Hưng Thịnh tiến hành mở khóa thanh khoản bằng cách hạ giá nhà, tăng chiết khấu.
“Hiện nay chúng tôi chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền, qua đó có dòng tiền về để tạo thanh khoản, duy trì hoạt động lúc này”, ông Dũng nói thêm.
Cần thời gian để khôi phục tâm lý nhà đầu tư
VnDirect dự báo, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 5, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX tiếp tục tăng lên. Ước tính trong tháng 5/2023 sẽ có khoảng 17.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng 12,6% so với tháng 4/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 24/4/2023).
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa giảm trong thời gian tới đây, trong khi xu hướng phục hồi của hoạt động phát hành mới vẫn khó dự đoán do niềm tin của nhà đầu tư cá nhân còn tương đối mong manh.
Trước nhu cầu huy động vốn còn rất lớn, trong khi khung pháp lý đang được nới lỏng tạm thời cho đến hết năm 2023, nhiều tổ chức phát hành vẫn sẽ tận dụng khoảng thời gian còn lại của năm để huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, một số tháng trong năm sẽ ghi nhận khối lượng trái phiếu phát hành tăng cao. Song, hiện tượng tăng đột biến của một số tháng xảy ra do hiệu ứng nền thấp, do cùng kỳ năm 2022 khối lượng phát hành theo tháng rất thấp, thậm chí có giai đoạn thị trường gần như đóng băng.
Để nhìn nhận rõ nét về xu hướng phục hồi của thị trường, cần đánh giá theo từng quý. Với tín hiệu đảo chiều chưa thực sự rõ ràng, FiinRatings dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa sôi động trở lại ngay quý II, mà sẽ phải theo dõi một số động thái từ phía nhà quản lý nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, đồng thời phục hồi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA khẳng định, hiện nay hàng tồn kho trên thị trường bất động sản rất nhiều. Nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Để niềm tin được củng cố trở lại, bên mua đang nghe ngóng và chờ đợi những chuyển động trên nhiều lĩnh vực, từ tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản, tới tiến độ giải ngân các gói cho vay đối với nhà ở xã hội.
Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng gói 120.000 tỷ đồng sẽ kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra cả thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng.
Tuy nhiên, lãnh đạo các NHTM cho biết, mặc dù ngân hàng đã sẵn sàng nguồn tiền để giải ngân gói tín dụng này, song chưa thể triển khai thực tế do còn phải chờ Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó ngân hàng mới tiếp cận để triển khai cho vay.
Gần đây nhất, tín hiệu tích cực đến từ việc tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland, Hưng Thịnh và DIC Group đã có phương án cụ thể để tạo thanh khoản cho một số dự án của các tập đoàn này. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 81.000 bất động sản gồm căn hộ, nhà ở riêng lẻ, officetel, shophouse của hơn 355 dự án của các tại TP.HCM được cấp sổ hồng trong thời gian sớm nhất… Các động thái này đang đem lại tác động tích cực tới thị trường, tuy nhiên vẫn cần thời gian để nỗ lực của các tổ chức phát hành được phát huy và hiệu ứng chính sách ngấm dần vào thị trường.
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Giáo dục tài chính: “Bệ phóng” cho chiến lược tài chính toàn diện

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

“Tài chính thông minh”: Mô hình giáo dục tài chính thiết thực

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc
