Thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh
Thanh khoản thu hẹp đáng kể
Trong một báo cáo được công bố tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, thanh khoản đã "xấu đi" hơn nữa so với những gì có thể mong đợi ở mức độ biến động hiện tại, đặc biệt là trên thị trường kho bạc, hàng hóa và cổ phiếu.
Thanh khoản trên thị trường vốn đã bị hạn chế dần do các quy định được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã hạn chế khả năng tạo lập thị trường và chấp nhận rủi ro của các ngân hàng lớn nhất thế giới.
![]() |
Nếu thị trường tài chính quá bất ổn, hiệu quả truyền tải chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ giảm đi |
Nhưng khó khăn của năm nay xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương đang tăng nhanh lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán, gây ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản đặc biệt nghiêm trọng trên thị trường trái phiếu.
Điều đó được thể hiện rõ trong Chỉ số Biến động Cboe (VIX), được gọi là "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, tăng 14% trong tuần trước. Nhưng với mức hơn 34 điểm, hiện VIX vẫn ở dưới mức đỉnh là gần 90 điểm trong thời gian bùng nổ cuộc khủng hoảng Covid-19 vào năm 2020 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi từ tháng tới, Fed sẽ bắt đầu bán bớt lượng trái phiếu nắm giữ, điều này có thể đồng nghĩa với việc khối lượng giao dịch thậm chí sẽ còn bị thu hẹp hơn. Bethany Payne - Giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu tại Janus Henderson Investors cho biết "nguy cơ giảm giá đột ngột trên thị trường trái phiếu đã tăng lên". “Độ sâu của thị trường trái phiếu vẫn giảm kể từ đầu năm do thanh khoản bị rút ra khỏi hệ thống”, bà nói và trích dẫn sự kết hợp của thắt chặt tiền tệ, lạm phát, cuộc xung đột Nga - Ukraine và kế hoạch bán trái phiếu của Fed.
Dữ liệu của Refinitiv cũng cho thấy khoảng cách trung bình hàng ngày giữa mức giá cao nhất và thấp nhất của hợp đồng tương lai trái phiếu 10 năm của Đức - một chỉ báo về quy mô của sự biến động - đã tăng mạnh trong tháng 3 lên mức cao nhất kể từ năm 2020.
Bức tranh tương tự cũng được ghi nhận trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, mà theo Steven Abrahams tại Công ty môi giới Amherst Pierpont, là kết quả từ việc Fed "rút thanh khoản theo thiết kế". "Ngày càng có nhiều nhà đầu tư không chắc chắn đường cong sẽ đi đến đâu, điều này đã lấy một số vốn ra khỏi thị trường và các nhà giao dịch cũng đang nhìn thấy nó có những biến động mạnh hơn về lợi suất trong ngày”, Abrahams nói.
Các chỉ số khác nhau minh họa hình dạng thanh khoản của thị trường, với phân tích của Abrahams cho thấy, thanh khoản của trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức thắt chặt nhất kể từ tháng 3/2020. Một chỉ báo của Goldman Sachs dựa trên đầu vào từ hơn 30 thị trường khác nhau cho thấy trái phiếu kho bạc Mỹ đang dẫn đầu về việc thắt chặt thanh khoản trong thời gian gần đây.
Thị trường tiền tệ trong vòng xoáy
Còn nhớ sự bùng phát của đại dịch coronavirus đã gây ra một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính toàn cầu vào tháng 3/2020 khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách toàn cầu phải bơm tổng cộng 15 nghìn tỷ USD (tương đương hơn 1/6 nền kinh tế thế giới) để giúp ổn định thị trường.
Mặc dù tình trạng hiện tại vẫn chưa đến mức đó, song theo các nhà phân tích, đó cũng không thể chủ quan và nếu thị trường tài chính quá bất ổn, hiệu quả truyền tải chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ giảm đi và cách diễn đạt của Fed đang được một số người coi là cảnh báo.
Trên thực tế sự biến động dường như cũng đang "thẩm thấu" vào thị trường tiền tệ, khi mà quy mô giao dịch trung bình hàng ngày trên cặp tỷ giá hối đoái euro/đôla, vốn được giao dịch nhiều nhất thế giới, đã giảm xuống còn 4.500 giao dịch trên nền tảng đa đại lý EBS, từ mức gần 6.000 vào tháng Ba.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, quy mô giao dịch thấp hơn có thể làm tăng sự biến động, với thước đo biến động dự kiến của đồng euro trong một tháng gần đây đạt mức cao nhất trong hai năm là trên 12%.
Điều đó thường khiến các nhà giao dịch gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch lớn. "Nếu nhìn sơ qua, bạn có thể thấy chúng tương đối bình thường. Nhưng chúng ta biết rằng, nếu bất kỳ ai muốn giao dịch quy mô lớn, độ sâu (thị trường) đó sẽ là một thách thức", Chris Huddleston - Giám đốc điều hành tại công ty môi giới FXD Capital ở London cho biết và nhấn thêm rằng: giao dịch sẽ trở nên khó khăn hơn khi tốc độ tăng lãi suất được đẩy nhanh hơn.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
