Thị trường mới nổi và nỗi lo vốn chảy ngược
Thiếu chất xúc tác, đầu tư suy giảm
Cho dù các nền kinh tế đang phát triển không còn lạ lẫm gì với nhiều cuộc khủng hoảng và biến động tài chính ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế trong vài thập kỷ trở lại đây, nhưng các nhà lãnh đạo đang tập trung dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vẫn quan ngại rằng, tình hình hiện nay là khó khăn hơn nhiều để dập tắt được các biến động.
![]() |
Quan ngại dòng vốn chảy ra lớn hơn do giá dầu tiếp tục giảm mạnh và kinh tế Trung Quốc suy giảm |
Xuất phát từ các mầm mống sợ hãi là việc Mỹ thắt chặt tín dụng, đồng bạc xanh tăng giá và nguy cơ Trung Quốc suy giảm tăng trưởng lâu dài kéo theo sự bùng phát của siêu chu kỳ giá hàng hóa mới, mối quan ngại đang ngày càng gia tăng về khả năng kinh tế toàn cầu không có được sự tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối cuộc suy giảm hiện nay.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những nhà đầu tư đã dũng cảm trụ lại trên thị trường trong thời gian khó khăn vừa qua chưa có cơ hội gặt hái được những thành quả như kỳ vọng.
"Bối cảnh toàn cầu và các động lực của các thị trường mới nổi hiện nay rất khác so với thời kỳ năm 2001 - khi mà châu Á, Nga và Brazil đã có những hồi phục mạnh mẽ sau các con sóng khủng hoảng của những năm cuối thập niên 1990" - David Spegel, người đứng đầu bộ phận các thị trường mới nổi thuộc ICBC Standard Bank nhận định.
Vị này phân tích, vào thời điểm đó, toàn cầu hóa đã gắn kết được những thực thể kinh tế này và các thị trường mới nổi là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Còn thời điểm hiện nay, chúng ta không còn những chất xúc tác như vậy.
Chất xúc tác lớn nhất năm 2001 là Trung Quốc. Việc gia nhập WTO đã giúp Trung Quốc bùng nổ xuất khẩu, đầu tư trong một thời gian dài và góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế này từ vị trí thứ sáu lên vị trí thứ hai toàn cầu chỉ sau hơn một thập kỷ. Sự chuyển dịch mạnh mẽ này cũng tác động tích cực đến nhiều nước đang phát triển khác khi họ trở thành các đối tác và một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.
Nhưng đến nay, sự suy giảm của Trung Quốc cũng ngay lập tức tác động tiêu cực đến các nền kinh tế này. Theo UBS, xuất khẩu từ các thị trường mới nổi đang trải qua giai đoạn suy giảm ở mức mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009.
Tổ chức WTO cho biết, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn tăng trưởng kinh tế trong năm 2015, và đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận xu hướng này. Trong khi đó ở những thập kỷ trước, điều này trái ngược hẳn khi tăng trưởng thương mại luôn ít nhất là cao gấp đôi tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược gia Manik Narain của UBS lo ngại rằng, về thương mại, các nền kinh tế mới nổi sẽ quay trở về mức tiêu cực của những năm 1980 chứ không phải hướng đến thời hoàng kim 2002 – 2007.
Một trong những dấu ấn của thời kỳ hoàng kim trên là số lượng vốn đổ vào các nước đang phát triển tăng mạnh một cách bất thường. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington DC (Mỹ), dòng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn 2001 - 2011 lên tới gần 3 nghìn tỷ USD.
Thế nhưng xu hướng này đã bắt đầu bị đảo ngược vào năm 2015, là năm đầu tiên kể từ năm 1988 khi dòng vốn chảy ròng ra trên 500 tỷ USD. IIF dự báo xu hướng rút ròng của luồng vốn này sẽ tiếp tục trong năm nay.
Các tổ chức khác như JPMorgan còn đưa ra các con số lớn hơn. Đơn cử, chỉ tính riêng Trung Quốc, JPMorgan cho rằng đã có gần 1 nghìn tỷ USD đã được rút ra khỏi nền kinh tế này kể từ giữa năm 2014. Và riêng dự trữ ngoại hối của NHTW nước này đã giảm hơn 500 tỷ USD trong năm ngoái.
Trong khi đó, theo tổ chức EPFR Global chuyên theo dõi hoạt động của các quỹ, lượng vốn rút khỏi các thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi cũng đạt mức kỷ lục 60 tỷ USD trong năm 2015.
Cần những can thiệp mạnh
Theo Hung Tran, Giám đốc điều hành IIF, vấn đề của các thị trường mới nổi không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong. Cụ thể, đó là vấn đề suy giảm năng suất lao động. Vị này ước tính, năng suất lao động – một chỉ dấu quan trọng cho thấy khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai cũng như là chìa khóa để thu hút các dòng vốn và đầu tư - đang tăng trưởng rất thấp (khoảng 0,9%/năm) ở hầu hết các nước đang phát triển.
Con số này chỉ bằng khoảng 1/4 so với giai đoạn trước năm 2007 và không có nhiều cách biệt so với mức 0,4% của các nước giàu. “Lợi thế năng suất của các nước mới nổi đã bị sụp đổ. Một chu kỳ giảm dần về đầu tư đang xuất hiện” - Hung Tran kết luận.
Cho dù có những điểm sáng như sự tăng trưởng khả quan của Ấn Độ hay Mexico, nhưng với những quan ngại gia tăng về kinh tế Trung Quốc hay việc Nga và Brazil đang trong năm suy thoái thứ hai, thì rõ ràng khó có cơ hội cho các dòng vốn đầu tư phục hồi sớm.
Theo tính toán của Morgan Stanley, các TTCK mới nổi đã chậm lại trong 5 năm qua và lợi nhuận của các DN cũng bị thu hẹp trong hơn 4 năm trở lại đây. Trong khi đó theo Richard House, người đứng đầu thị trường nợ của các thị trường mới nổi tại Standard Life Investments, đồng USD mạnh lên cũng tác động tiêu cực đến đầu tư vào trái phiếu đồng nội tệ ở các thị trường này.
Mối quan ngại về sự đảo ngược dòng vốn mạnh chắc chắn đang nằm trong đầu các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi. Để đối phó với rủi ro này, Thống đốc NHTW Mexico Agustin Carstens cho rằng, các nền kinh tế mới nổi có thể phải can thiệp sâu vào các thị trường tài chính như những gì các nước giàu đã từng làm trong giai đoạn khủng hoảng 2008. Tuy nhiên về mặt lâu dài, ông Agustin Carstens khẳng định con đường duy nhất là phải tiến hành các cải cách kinh tế một cách quyết liệt.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
