Sau quyết định của Fed: Các nền kinh tế mới nổi sẽ ra sao?
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cuối năm ngoái đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên qua, trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đã đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, thị trường lao động tiếp tục đón nhận tín hiệu tích cực và các thị trường tài chính-chứng khoán được đánh giá là đủ “sức khỏe” để chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp.
Điều đang được quan tâm là những tác động với bản thân nước Mỹ cũng như những áp lực đối với các nền kinh tế mới nổi. Dù vậy, cũng có những cái nhìn lạc quan về quyết định của Fed.
![]() |
Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến thế giới |
Lãi suất tăng khi kinh tế phục hồi
Tháng 12/2015, Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ - đã quyết định nâng lãi suất với nhận định các điều kiện trên thị trường lao động Mỹ đã được cải thiện đáng kể trong năm nay và tin tưởng rằng lạm phát trong trung hạn sẽ tăng lên mức mục tiêu 2%.
Theo quan điểm của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, những tiêu chí về lao động và lạm phát đã đáp ứng được các mục tiêu đặt ra và cần tăng lãi suất cơ bản. Quyết định tăng lãi suất của Fed là tin tốt, báo hiệu rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi từ cuộc Đại suy thoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong những năm tới.
Tỷ lệ thất nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định của Fed. Số việc làm tăng lên đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 5,75% trong quý IV/2014 xuống 5% trong quý IV/2015.
Tỷ lệ 5% là gần với mức mục tiêu của FOMC và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ đó phù hợp với tình hình lạm phát ổn định. Việc cải thiện thị trường lao động đã góp phần đưa nhịp độ tăng trưởng GDP đạt trung bình trên 2% trong ba quý đầu năm 2015.
Tuy nhiên, tình trạng tăng năng suất chậm (chỉ khoảng 0,5% trong cả năm) cùng với sự gia tăng số lao động tạm thời nghỉ việc do sinh con cho thấy độ mở của nền kinh tế đã đủ để thu hút những người mới tham gia lực lượng lao động cũng như có thể đưa người dân quay trở lại làm việc.
Nhịp độ tăng trưởng GDP này là phù hợp với nhu cầu của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, hạn chế những thiệt hại trong thương mại quốc tế của Mỹ khi tỷ giá của đồng USD đang tăng lên.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất tăng thêm 0,25% sẽ gây ra những tác động tiêu cực nhưng đó là sự hy sinh cần thiết để Fed đón đầu lạm phát. Theo tính toán của FOMC, nếu chờ đợi lâu hơn để tăng lãi suất sẽ làm tăng rủi ro một cách không thể chấp nhận đối với nền kinh tế Mỹ. Fed phải tính đến vấn đề tăng chi phí đi vay để giữ nền kinh tế đi đúng hướng và tạo sự đột phá sau giai đoạn hồi phục.
... và những tác động
Theo các chuyên gia, dù đã có thời gian chuẩn bị để “làm quen” với mức lãi suất cao hơn, người dân và các công ty Mỹ cũng sẽ không thể tránh khỏi những tác động. Trước tiên, việc nâng lãi suất liên ngân hàng sẽ khiến khách hàng phải chịu những mức lãi suất cao hơn khi đi vay tiền, đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa, tiền có xu hướng rút khỏi thị trường cổ phiếu để đổ vào trái phiếu.
Ngoài ra, lãi suất tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau. Việc người dân vay tiền để mua ô tô, thanh toán thẻ tín dụng hay mua nhà có thế chấp sẽ trở nên tốn kém hơn, do đó nhiều khả năng doanh số bán ô tô hay nhà ở sẽ giảm. Hệ quả là các công ty giảm bớt hoạt động đầu tư và tuyển dụng lao động, khiến sức ép tăng lương giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và dẫn đến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.
Việc Fed nâng lãi suất cũng gây áp lực đối với một số quốc gia trên thế giới, nhất là những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Chuyên gia Christine Rifflart của Viện Nghiên cứu Pháp OFCE nhận định, các nền kinh tế đang nổi đã vận hành rất tốt khi Fed vẫn giữ chính sách tiền tệ “nới lỏng”, song với việc lãi suất tăng, nhiều trong số các nền kinh tế, hiện đang trong tình trạng tăng trưởng trì trệ, sẽ có lý do để lo lắng.
Khi lãi suất tại Mỹ tăng thì chi phí vay mượn bằng đồng USD sẽ tăng lên và gây khó khăn cho chính phủ cũng như doanh nghiệp các nước có xu hướng vay mượn nhiều bằng đồng tiền này.
Những nền kinh tế mới nổi cũng sẽ đối mặt với nguy cơ "chảy máu" vốn bởi những nước này có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng lãi suất trong nước vốn đã ở mức rất cao. Ngoài ra, các nước khai thác dầu mỏ - một mặt hàng được định giá bằng "đồng bạc xanh", vốn bị tổn hại bởi giá dầu thô sụt giảm mạnh - cũng phải đối phó với tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến lạc quan hơn xung quanh động thái Fed tăng lãi suất. Các nhà phân tích nhận định mức tăng rất nhẹ trước mắt có lẽ sẽ không tác động nhiều đến người dân cũng như nền kinh tế Mỹ và vẫn giúp Mỹ đạt được mục tiêu là duy trì nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ bền vững, không làm tăng lạm phát trên 2%.
Theo Ngân hàng America Merrill Lynch, những tác động của việc lãi suất mặc dù tăng song vẫn ở mức thấp, giá năng lượng lao dốc và thị trường lao động khởi sắc sẽ giúp nhiều tiêu dùng được hưởng lợi, từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế.
Mức nợ nước ngoài của hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều thấp hơn so với mức trước khi xảy ra các cuộc khủng hoảng trước đây. Nhiều nền kinh tế hiện cũng có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, đóng vai trò như vật đệm để đối phó với các cú sốc, đồng thời có dự trữ ngoại hối lớn hơn so với trước đây.
Những quan ngại về các đợt rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi cũng có phần bị cường điệu. Trên thực tế, quyết định tăng lãi suất một mức rất nhỏ chỉ là 0,25% giúp các nhà đầu tư không phải "đoán già đoán non" về việc Fed có tăng lãi suất hay không và nhờ vậy các luồng tiền ra vào các thị trường đang nổi có thể sẽ ổn định trở lại.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ
