Thêm rào cản ngăn chặn hoạt động rửa tiền
Hội nghị APG: Tìm giải pháp ngăn chặn có hiệu quả hoạt động rửa tiền AI sẽ giúp ngăn chặn hoạt động rửa tiền hiệu quả hơn |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nguyễn Quốc Hùng cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài càng phổ biến. Căn cứ quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định 70/2014/NĐ-CP, Thông tư 20/2022/TT-NHNN, các TCTD đã xây dựng quy định nội bộ, trong đó có quy định về giấy tờ, chứng từ liên quan đến giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài đối với người cư trú là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chuyển tiền ra nước ngoài hiện nay còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa phù hợp và không thống nhất giữa các TCTD, quy định nội bộ về giấy tờ, chứng từ chuyển tiền của mỗi ngân hàng khác nhau. Trong khi đó việc chuyển tiền ra nước ngoài là hoạt động rất phức tạp, liên quan đến nhiều quy định pháp luật.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài đối với người cư trú là công dân Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn báo cáo Thống đốc NHNN và đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc và Thực hành thống nhất chuyển tiền ra nước ngoài. Sau hơn 15 tháng triển khai, trải qua rất nhiều bước thực hiện, ngày 7/2/2025, Hiệp hội Ngân hàng đã có Quyết định số 09/QĐ-HHNH ban hành Bộ Quy tắc (có hiệu lực từ ngày 15/3/2025).
Bộ Quy tắc hướng dẫn các danh mục và nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch mua, chuyển và mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam, áp dụng cho các mục đích như học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, trả phí, trợ cấp cho thân nhân, chuyển tiền thừa kế và định cư ở nước ngoài.
Mục tiêu của việc ban hành Bộ quy tắc là để đảm bảo các ngân hàng cùng thống nhất về cách hướng dẫn, cách triển khai trong giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết của người cư trú là công dân Việt Nam. Quan trọng hơn, Bộ quy tắc còn giúp nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền. Bên cạnh đó, Bộ quy tắc có những quy định chặt chẽ, góp phần hạn chế kẽ hở mà các cá nhân có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với các phương thức như sử dụng một bộ hồ sơ, chứng từ chuyển tiền nhiều lần tại cùng hệ thống ngân hàng hay thực hiện chuyển tiền nhiều lần tại các ngân hàng khác nhau…
Việc ban hành Bộ quy tắc theo đánh giá của các đại biểu sẽ giúp ngân hàng thực hiện thống nhất với khách hàng trên phạm vi toàn quốc, qua đó giảm thiểu các rủi ro liên quan. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng thuận lợi trong việc kiểm soát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài hiệu quả hơn nữa, hạn chế tình trạng chuyển tiền bất hợp pháp, góp phần giữ ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá giúp thu hút nhà đầu tư.
“Bộ quy tắc được xây dựng theo định hướng trở thành quy định khung mang tính đặc trưng nhất đối với hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam. Đây không phải là văn bản quy định pháp luật, tuy nhiên sẽ là cơ sở để các ngân hàng thống nhất thực hiện như một thông lệ thị trường. Bộ quy tắc đề cao trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống rửa tiền của các NHTM và các cán bộ ngân hàng trong quá trình cung ứng dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) Đào Xuân Tuấn, việc ban hành Bộ quy tắc là hết sức cần thiết, kịp thời, tạo sự minh bạch, thống nhất cho hệ thống ngân hàng trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài. Thời gian qua, do sự khác biệt trong khẩu vị rủi ro của các TCTD, việc quy định chứng từ trong giao dịch chuyển tiền quốc tế chưa thống nhất, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
![]() |
Bộ quy tắc giúp nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền |
Nhằm tạo sân chơi công bằng, một chuẩn mực chung cho các TCTD thực hiện thống nhất, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, Vụ Quản lý Ngoại hối đã đồng hành cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các TCTD xây dựng Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam.
Bộ Quy tắc này sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, một chuẩn mực chung cho các TCTD thực hiện thống nhất, đồng thời tạo cơ sở cho ngân hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền quốc tế đúng quy định. Bởi trên thực tế, có những đối tượng xấu lợi dụng các giao dịch để thực hiện các hành vi trái pháp luật, gây bất lợi cho lợi ích của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Do vậy, cần có chế tài mạnh mẽ hơn, đủ tính răn đe để thay đổi tình trạng này.
Như vậy, hiện nay, bên cạnh các văn bản hướng dẫn của NHNN đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai là Thông tư 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân, các TCTD đã có thêm bộ khung những chứng từ cần thiết, cụ thể đối với các giao dịch chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, tạo cơ sở cho việc kiểm soát rủi ro, phòng chống rửa tiền trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng nhưng vẫn tuân thủ thông lệ quốc tế, góp phần đảm bảo giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài đúng mục đích, đúng quy định, phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài cho các nhu cầu bất hợp pháp.
Cùng với các quy định về phòng chống rửa tiền, Bộ quy tắc là cơ sở để các cơ quan chức năng tham chiếu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định lại, Bộ Quy tắc do Hiệp hội Ngân hàng ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà được áp dụng trong phạm vi các hội viên, nhằm thống nhất phương thức thực hiện và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý. Mục tiêu là tạo sự thuận lợi và hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển tiền nhanh chóng, đồng thời đảm bảo an toàn trong các hoạt động nghiệp vụ. Cả ở Việt Nam và trên thế giới, các nguyên tắc và quy trình thực hành thống nhất như vậy, mặc dù không phải là văn bản pháp luật, nhưng đã được áp dụng rộng rãi. “Các ngân hàng không phải là hội viên, ngân hàng nước ngoài nếu thấy Bộ Quy tắc hỗ trợ trong việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài và muốn tham gia, có thể đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng để cùng thống nhất thực hiện”, lãnh đạo Hiệp hội thông tin thêm.
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Dịch vụ tài chính hướng đến sự tiếp cận bình đẳng, an toàn cho người dân
