Thay đổi tư duy, nỗ lực và đột phá
Mục tiêu không đổi, dù thách thức lớn hơn
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (Kế hoạch). Trong đó đặt ra các chỉ tiêu: Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP... Với các chỉ tiêu này, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, có nhiều chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao mới có thể hoàn thành.
TS. Phạm Sỹ An - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, về cơ bản các chỉ tiêu chính đặt ra như vậy là vừa phải, không quá khó và khả năng đạt được cao. “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân - mục tiêu quan trọng nhất - đặt ra như vậy là khả thi. Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu rất cụ thể như tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh tế số trong GDP, chứ không còn chung chung và tôi cho rằng nếu nỗ lực và quyết tâm cao, chúng ta sẽ đạt được”, TS. An nhận định.
![]() |
Kinh tế số sẽ là một động lực tăng trưởng mới |
Đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng một số chỉ tiêu có thể đạt được vì thực tế chúng ta cũng đã và đang trên đường tiến sát đến các mốc đặt ra. Ví dụ, đóng góp của TFP vào tăng trưởng thực tế đã đạt trên 45%; năng suất lao động tăng 5,8% giai đoạn 2016-2020 hay GDP bình quân đầu người hiện cũng đã ở mức trên 3.400 USD… Tuy nhiên, vấn đề là những cải thiện về “chất” - dựa nhiều hơn vào công nghệ, giá trị gia tăng và chất lượng nguồn nhân lực - vẫn rất cần được chú ý trong các chỉ tiêu đó và cần tính tới các yếu tố tác động khách quan khác, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên với tăng trưởng GDP giai đoạn 5 năm tới, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng đây là mục tiêu “rất thách thức”. “Tôi cho rằng diễn biến và các tác động của dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp, kéo dài ít nhất là đến giữa năm 2022, khiến tăng trưởng bị ảnh hưởng và làm cho chúng ta đâu đó đã mất 1/3 quãng đường của Kế hoạch 5 năm rồi. Như thế thì rất khó đạt được mục tiêu bình quân của cả giai đoạn nếu vẫn chỉ duy trì các động lực và cách làm bình thường để đưa nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng cũ 6,8% như của thời kỳ 2016-2019”, ông Tuấn nói.
Nỗ lực cao nhất để thành công
Tuy nhiên theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, nói như vậy không có nghĩa là không có dư địa và các động lực để đưa nền kinh tế bật dậy mạnh mẽ hơn. Mặc dù tăng trưởng có thể bị thấp đi trong năm nay, nhưng chính trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay càng cần phải có những giải pháp đột phá để làm sao tạo ra được quỹ đạo tăng trưởng cao hơn (trên 7%) trong những năm tiếp theo.
Trên thực tế các động lực tăng trưởng vẫn có, từ xuất khẩu, thu hút FDI, đầu tư công đến tiêu dùng trong nước. Đặc biệt những động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số nếu tận dụng được, coi đó là những đột phá sẽ giúp tạo ra quỹ đạo tăng trưởng cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay cần tư duy khác biệt so với điều kiện bình thường trước đây, để từ đó có những biện pháp đột phá, cách làm quyết liệt và mạnh mẽ nhờ vậy sẽ giúp nền kinh tế sớm lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cao hơn. Cũng từ góc nhìn này, các chuyên gia đánh giá cao việc Quốc hội tại kỳ họp vừa qua đã đưa vào Nghị quyết chung nội dung cho phép Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Đây chính là biểu hiện rõ nét cho thấy sự thay đổi tư duy, theo đó bối cảnh đặc biệt hiện nay cần phải có các chính sách, cơ chế và biện pháp khác biệt.
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh tình hình nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi nhanh chóng trong các năm của Kế hoạch 5 năm lần này. Đơn cử, hiện 2021 đang là năm rất khó khăn khi phải vật lộn với tác động quá lớn của dịch Covid, nhưng cũng rất kỳ vọng tình hình sẽ có sự chuyển biến mang tính bước ngoặt ngay từ năm 2022 nếu chiến lược vắc-xin giúp chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng, áp lực của Covid lên hệ thống y tế được giảm thiểu và cùng với đó là các loại thuốc đặc trị giúp biến đại dịch Covid chỉ còn tác động như tính chất của một loại cúm mùa bình thường.
Một bức tranh như vậy không vẽ ra để lạc quan, mà để thấy tính biến động và bất định trong thời gian tới là rất lớn. Nếu diễn biến tình hình khả quan lên đúng như dự kiến thì đó là điều rất tích cực, nhưng nếu kịch bản có chuyển biến xấu hơn thì cũng nằm trong lường đoán và sẽ được hóa giải bằng tâm thế chuẩn bị chủ động. Cũng chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ trong thực hiện Kế hoạch 5 năm tới đây sẽ khó khăn và khác biệt hơn so với trước đây rất nhiều. Theo đó, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng mỗi năm sát mức bình quân (6,5-7%) và giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định, năm sau “đều đều” cao hơn năm trước một chút (để rồi cả 5 năm sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra) không còn là điều dễ thực hiện. Tình trạng “năm thấp, năm cao” là khả năng rất cao có thể sẽ xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Điều đó cũng đồng nghĩa với một thực tế là bên cạnh nỗ lực đạt được mục tiêu chung đặt ra cho cả 5 năm, cần có chiến lược “tiến - lui” hợp lý trong từng năm tùy vào bối cảnh cụ thể. Khi không quá bị áp lực về con số tăng trưởng cụ thể của mỗi năm như vậy, Chính phủ sẽ có dư địa và sự chủ động, linh hoạt trong điều hành và triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên cần đạt được.
Bởi vậy theo các chuyên gia, yếu tố “phân kỳ” rất cần được đặt ra trong Kế hoạch chung 5 năm lần này. Trước mắt, do giai đoạn 2021-2022 còn rất nhiều khó khăn, bất định nên có thể chấp nhận tăng trưởng GDP thấp (đi kèm với đó là thâm hụt ngân sách, nợ công có thể tăng vọt). Nhưng ngay trong giai đoạn này, ngoài nỗ lực đối phó và chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh, cũng cần cố gắng duy trì, củng cố các động lực đang có, xây dựng chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid, đồng thời chuẩn bị các nền tảng, đặc biệt là các động lực mới để kinh tế bứt phá lên quỹ đạo tăng trưởng mới.
Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
