Thách thức trong bảo tồn di sản đô thị
Hiện nay, di sản đô thị đang chịu cảnh lép vế so với các di tích, di sản văn hóa khác, bởi trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này cũng như hành lang pháp lý để bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế lại đòi hỏi di sản đô thị phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi chúng bị biến dạng, xuống cấp, thậm chí biến mất hoàn toàn.
Theo kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội: “Di sản đô thị bao gồm các công trình mang tính tượng đài và các yếu tố kiến trúc thông thường, tạo thành một chỉnh thể thống nhất hoặc một cấu trúc không gian đô thị thống nhất, thể hiện qua các đặc tính chung, phong thái quy hoạch, công năng đặc thù hoặc dấu ấn của một giai đoạn”.
![]() |
Di sản đô thị cần phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi những di sản này bị biến dạng, xuống cấp, thậm chí biến mất hoàn toàn |
Cũng theo ông, trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị, không chỉ quan tâm đến một công trình riêng lẻ, mà phải chú ý đến cả những yếu tố gắn kết như khung cảnh kiến trúc, môi trường đô thị để bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản. Từ đó, di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc và văn hóa.
Tại Hà Nội, di sản đô thị có thể được hiểu là các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc với các khu phố cũ, biệt thự cũ, các bảo tàng, nhà hát, bệnh viện, trường học… còn bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị kiến trúc và không gian xung quanh. Ngoài ra, không thể không kể đến hệ thống các công trình nhà ở, khu tập thể, công viên, công trình công cộng được xây dựng thời kỳ những năm 1960 – 1990 với phong cách kiến trúc tiêu biểu của Liên-xô (cũ). Những di sản đô thị này theo thời gian đều đã khẳng định được giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Và điều quan trọng là các di sản này đã và đang tiếp tục đóng góp vào việc tạo nên bản sắc đô thị và góp phần nhận diện Thủ đô Hà Nội.
Mặc dù mang không ít dấu vết của thời gian, lịch sử, phản ánh các lớp lang văn hóa, nhưng di sản đô thị chưa bao giờ được chính thức công nhận là một loại hình di sản văn hóa. Chính vì thế, các di sản đô thị không được xếp hạng, đồng thời không được Luật Di sản văn hóa bảo vệ bằng hệ thống khung pháp lý như các di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Trong khi đó, chúng đang phải đối mặt là nguy cơ bị biến dạng, xuống cấp hoặc rất có thể bị tan rã bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, các di sản đô thị thường nằm ở những vị trí “đất vàng” tại các khu vực trung tâm thành phố nên khả năng bị “thôn tính” càng cao hơn. Không khó để nhận ra sự biến mất nhanh chóng của nhiều biệt thự cũ trên các khu phố Pháp và các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm những năm gần đây, và bị thay thế bởi các tòa nhà văn phòng, cao ốc hiện đại hoặc trở thành bãi đất trống nằm chờ dự án; hay sự thế chân dần dần các khu tập thể cũ ở Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ quận Đống Đa bằng những chung cư hiện đại. Ngược lại, không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không ai ngó ngàng suốt vài thập niên qua như biệt thự 49 Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm, hay tòa nhà công vụ số 300 Kim Mã quận Ba Đình.
Một thách thức khác mà di sản đô thị đang phải đối mặt, đó là sự phá vỡ không gian cảnh quan xung quanh. Ví như lối kiến trúc đặc trưng của biệt thự Pháp là luôn có không gian cây xanh, khuôn viên, hàng rào bao quanh, rộng hơn nữa là cảnh quan của những con phố xung quanh.
Không chỉ phải đối diện với những thách thức trực tiếp nêu trên, công tác bảo tồn di sản đô thị ở Hà Nội còn gặp không ít khó khăn, bất cập khác. Đó là sự buông lỏng, hoặc ngược lại là sự cứng nhắc trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng: “Chúng ta đang khá cứng nhắc khi phân loại và tiếp cận di sản. Tiếp cận một di sản, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và có cách ứng xử khách quan, nhân văn. Nếu nhìn nhận giá trị di sản chỉ dựa trên phương diện hành chính sẽ dễ dẫn đến cực đoan”.
Ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Hà Nội mang trong mình một nền văn hóa được kế thừa từ truyền thống lịch sử lâu đời. Điều này đã khiến Hà Nội trở thành một trong những thành phố hấp dẫn nhất châu Á, nơi mà lịch sử lâu đời và các công trình văn hóa kết nối trực tiếp với sự phát triển của kinh tế và cơ sở hạ tầng. Nếu được quản lý một cách hiệu quả, đây sẽ là một tiềm năng tuyệt vời cho tương lai của thành phố. Quy hoạch phát triển phải kết hợp các hành động để bảo tồn và thúc đẩy các tài sản văn hóa “sống” trong các thành phố, vì chúng giúp định hình bản sắc của thành phố với sự sáng tạo và bền vững.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
