Tái đàm phán NAFTA: Phép thử cho mối quan hệ giữa ba nền kinh tế Bắc Mỹ
Những cuộc họp đầu tiên khởi động vòng đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vừa kết thúc tại Washington có thể coi là khúc dạo đầu thận trọng cho một quá trình thương lượng được dự báo sẽ khá cam go và đầy thách thức khi các mục tiêu và tham vọng của 3 đối tác Mỹ, Canada và Mexico có rất nhiều khác biệt trong khi lợi ích đan xen giữa các bên lại quá lớn. Đáng mừng là các bên cũng đạt được cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán để tiến trình này có thể sớm được hoàn tất trước khi bước sang năm 2018.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bước thăm dò thận trọng
Có thể nói, vòng đàm phán mở đầu này mới chỉ dừng lại ở mức các bên thăm dò những mục tiêu ưu tiên và đề xuất của nhau cho phiên bản "NAFTA 2.0". Dù chưa thể thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả ba nước đối tác, song các bên đã nhất trí một lịch trình dày đặc các cuộc gặp trong tương lai để có thể gấp rút hoàn tất quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA vào cuối năm nay, hoặc ít nhất đầu năm 2018, nhằm tránh vướng vào những rắc rối chính trị có thể xuất phát từ cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico cũng như bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm sau.
Đây được cho là kế hoạch đầy tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực, khi khoảng thời gian còn lại là không nhiều. Khoảng cách từ việc vạch lộ trình cho đến hiện thực hóa mục tiêu đề ra vẫn còn xa vời, đặc biệt trong bối cảnh mỗi nước đều có những lập trường và mục tiêu cứng rắn cũng như những lợi ích riêng khó có thể dung hòa trong “một sớm, một chiều”.
Ngay từ khi chưa bắt đầu, quá trình tái đàm phán NAFTA đã được xem là sẽ khá sóng gió, bởi những lập trường cứng rắn và mục tiêu mà Mỹ đề ra. Vào tháng Bảy vừa qua, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lần đầu tiên ra thông báo cho biết việc xây dựng các điều khoản để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ là mục tiêu trong đàm phán NAFTA lần này, tương đồng với quan điểm của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Đối với Mỹ, vòng đàm phán lại NAFTA lần này có ý nghĩa quan trọng khi nó được xem là "phép thử" đánh giá những cam kết và chính sách mà ông Trump theo đuổi từ trước khi nhậm chức, trong đó có việc tái định hình quan hệ thương mại với các nước theo hướng bảo hộ, tăng thêm các rào cản thương mại nhằm thực hiện mục tiêu "Nước Mỹ trên hết".
Trong khi đó, kết quả đàm phán NAFTA không những tiếp tục bảo vệ nền kinh tế và thị trường việc làm của Canada và Mexico, mà còn quyết định vị thế của hai nước này trước Mỹ- đối tác khổng lồ và cũng là nước láng giềng quan trọng. Hơn thế nữa, cuộc đàm phán lại NAFTA còn được coi là "thước đo" về bản chất mối quan hệ giữa ba quốc gia láng giềng Bắc Mỹ, vốn vẫn được xem là khá "xuôi chèo, mát mái" dưới thời các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng NAFTA là lý do khiến Mỹ mất đi một lượng lớn việc làm vào tay Mexico, nơi có giá nhân công thấp hơn nhiều. Do vậy, Mỹ muốn dùng ảnh hưởng từ vị thế là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của hai quốc gia này để yêu cầu nhượng bộ trong vấn đề thâm hụt thương mại, rằng Mỹ muốn siết chặt hơn các quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm ô tô.
Trái lại, Canada và Mexico lại cho rằng Mỹ quá chú trọng vào số liệu thương mại song phương mà không quan tâm tới tổng giá trị thương mại của cả khối - vốn được coi là thước đo chuẩn xác cho hiệu quả của một hiệp định thương mại, khi con số này đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 5,5% so với năm trước đó, cũng là mức tăng trung bình hàng năm kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực.
Cả hai nền kinh tế láng giềng của Mỹ đều lo ngại các hạn chế thương mại mới sẽ là một thảm họa thực sự cho khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ và gây bất ổn cho doanh nghiệp cũng như công nhân ở cả ba nước. Các khúc mắc này được xem là những nút thắt khó gỡ trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, bởi nó gắn chặt với lợi ích mà từng bên kiên quyết bảo vệ trên bàn thương lượng.
Tương lai của “NAFTA 2.0”
NAFTA là khu vực thương mại đứng đầu thế giới về GDP, giúp cho vùng Bắc Mỹ duy trì được khả năng cạnh tranh trước châu Á. Đạt được thỏa thuận là một trắc nghiệm quan trọng không chỉ với Tổng thống Mỹ, mà cả với hai người đồng nhiệm đến từ Canada và Mexico.
Bởi vậy, theo các nhà phân tích, trong tiến trình tái đàm phán NAFTA, các bên cần coi đây là cơ hội để làm mới lại thỏa thuận đã 23 năm tuổi này theo hướng phù hợp hơn với thương mại quốc tế đang thay đổi rất mạnh mẽ và thiết lập một phiên bản mới có lợi cho tất cả các bên.
Quá trình hiện đại hóa NAFTA cần bao gồm nhiều mục tiêu: từ giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại mới như thương mại điện tử; hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cập nhật các quy tắc hiện có… tới xử lý các vấn đề gây tranh cãi như thâm hụt thương mại thông qua mở rộng giao thương.
Điều mà ba đối tác cần phải nhớ là họ không chỉ đơn giản bán hàng cho nhau. Với tư cách là các đối tác trong NAFTA, ba nước phải hợp tác và làm việc cùng nhau. Họ phải tăng cường và cải thiện các chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Hiện hàng xuất khẩu của Mexico sang thị trường Mỹ có tới 40% thành phần có xuất xứ tại Mỹ. Tỷ lệ này trong hàng hóa xuất khẩu của Canada sang Mỹ là 25%.
Ngoài ra, NAFTA cũng tạo ra rất nhiều lựa chọn về chất lượng, giá cả, mẫu mã, chủng loại… cho người tiêu dùng, các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành nghề liên quan ở cả ba nước. Sự gắn kết và hội nhập của ba nền kinh tế cũng đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong các lĩnh vực về phát triển công nghệ, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn hóa. Việc phá bỏ những lợi thế cạnh tranh này sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.
Những thay đổi nhanh chóng trong 23 năm kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực đang khiến việc đàm phán lại hiệp định này được xem là một cơ hội để các nước cập nhật các mối quan hệ thương mại phù hợp hơn với các động lực và thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Do đó, các bên cần đặt ra một tầm nhìn và phạm vi rộng trong tiến trình thương lượng lại để tạo điều kiện nâng cấp cũng như tăng cường mức độ hội nhập kinh tế của Bắc Mỹ.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
