Tài chính toàn diện: Từ chính sách đến hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ:
Khẳng định mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo công bằng
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ |
Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau một năm triển khai, hầu hết các tỉnh thành, địa phương và các cơ quan liên quan đã ban hành các kế hoạch hành động triển khai chiến lược này.
Để đôn đốc triển khai chiến lược, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ đảm bảo các hoạt động của Ban Chỉ đạo. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi Chiến lược tài chính toàn diện khẳng định mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo công bằng xã hội.
Dù khái niệm về tài chính toàn diện còn rất mới nhưng nội hàm bao gồm các dịch vụ về tín dụng thanh toán, tiết kiệm, bảo hiểm... đã được Chính phủ quan tâm và có những chính sách thúc đẩy trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong năm 2020 với bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kết quả triển khai tài chính toàn diện tại các địa phương, bộ, ngành liên quan đều rất tích cực. Hầu hết các nội dung, giải pháp chính sách tích cực được triển khai như: nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; quy định về đại lý thanh toán...
Vì vậy, Hoàng hậu Hà Lan Maxima với vai trò là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tài chính toàn diện rất quan tâm đến tình hình phát triển tài chính toàn diện của Việt Nam và nhiều lần gửi thư đánh giá cao cam kết của Việt Nam về các khuyến nghị của Liên hợp quốc về phát triển tài chính toàn diện.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN):
Khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện và đồng bộ
![]() |
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng |
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, NHNN trong thời gian qua đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương trên cả nước tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Sau hơn 1 năm thực hiện, khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện và đồng bộ.
Các tổ chức cung ứng sản phẩm cũng như các kênh phân phối đã hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và nỗ lực hết sức để cho ra đời các sản phẩm mang tính đặc thù, sáng tạo cho khách hàng mục tiêu. Đơn cử, các sản phẩm tại Phòng giao dịch tài chính cộng đồng vùng sâu, vùng xa của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Trung tâm giao dịch 24h tại các trạm xăng của Ngân hàng Đông Á...
Dù khuôn khổ pháp lý về tài chính toàn diện liên tục được cập nhật, hoàn thiện nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa bắt kịp với thực tiễn, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ mới, các công ty Fintech...; thiếu các quy định về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu ở các khu vực thành thị, còn các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn ít hoặc chưa có.
Trên cơ sở đó, để thực tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính toàn diện, nhất là việc ứng dụng các sản phẩm trên nền tảng số, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào tài chính vi mô...
Để chiến lược này được triển khai thành công, cần có sự quyết tâm rất lớn từ Chính phủ và sự đồng thuận của tất cả các bộ, ngành để có các giải pháp mang tính lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN):
Kịp thời đề xuất, sửa đổi để phát huy hiệu quả chính sách
![]() |
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế |
Hiện nay, các ban, bộ, ngành đang tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế tập thể... và gần đây nhất là Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát các khuôn khổ pháp lý liên quan đến cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để có những đề xuất, sửa đổi chính sách cho phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp ở các khu vực nông nghiệp nông thôn tiếp cận tài chính toàn diện và các dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng để quản lý dòng tiền tốt hơn nhằm tăng khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội... để tăng cường phổ biến các chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn đến người dân nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả chính sách.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng:
Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tài chính toàn diện cho người dân
![]() |
PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng |
Cùng với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính khác đã tham gia cung ứng các dịch vụ tài chính cho người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là người có thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn, các đối tượng chính sách. Trong số các tổ chức tín dụng, ngoài các ngân hàng thương mại còn phải kể đến những đóng góp của khu vực các Quỹ Tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, các kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn liên tục được phát triển cả về kênh truyền thống và kênh hiện đại. Số lượng sản phẩm dịch vụ ngày càng được đổi mới theo chiều hướng đa dạng, phong phú và có sản phẩm bắt kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Không những vậy, chất lượng dịch vụ tài chính ngày càng được cải thiện nhờ công nghệ hiện đại, tăng tiện ích cho người dùng lại nhưng đồng thời giúp giảm chi phí giao dịch, phù hợp với mọi đối tượng, trong đó có khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, người dân vùng sâu vùng xa.
Tuy vậy, tài chính toàn diện tại diện tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số hạn chế. Hiện, các tổ chức tài chính và các tổ chức có liên quan ở từng vùng, từng địa bàn chưa có hành động cụ thể để đạt mục tiêu đó. Khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực gọi vốn, cho vay, quản lý dữ liệu cho hoạt động của các công ty này chưa hoàn thiện, các sản phẩm dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển đồng đều giữa các vùng, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Điều này hạn chế khả năng sử dụng sản phẩm của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, mỗi vùng cần xác định cụ thể mục tiêu trong tiếp cận dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của công ty Fintech. Các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính trung gian khác cần phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ tài chính - ngân hàng... Đồng thời, cần tăng cường sử hiểu biết của người dân thông qua đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tài chính toàn diện.
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
