Tác động hai mặt của lạm phát thấp
Thành công kép và nỗi mừng một nửa
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 chưa đến 2% so với cùng kỳ được đem ra “mổ xẻ” tại Hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, do Học Viện Tài chính tổ chức ngày 26/12/2014. Trước nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng nói trên là thấp, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) lưu ý, tăng thấp đó là so với chính Việt Nam, nhưng vẫn cao hơn Thailand, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei và tương đương với Campuchia.
Cơ hội và thách thức khi lạm phát ở Việt Nam đạt mức thấp, đặc biệt là đánh giá tác động tới các vấn đề về tăng trưởng, thu/chi ngân sách, lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, nợ công, tiêu dùng và tồn kho... đã được bàn đến tại hội thảo nói trên. Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, ổn định giá cả là thành công của 2014, sau một quá khứ có nhiều năm giá tăng cao và bất thường. Như quan điểm của chuyên gia Ngô Trí Long, việc điều hành giá năm 2014 đã đạt được “thắng lợi kép”. Lạm phát thấp có lợi cho người tiêu dùng và cải thiện sức mua, theo lý thuyết.
Lạm phát thấp có lợi cho người tiêu dùng, cải thiện sức mua của thị trường
Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc kiểm soát lạm phát năm nay chỉ được coi là thành công trọn vẹn nếu tăng trưởng cải thiện rõ. GDP được công bố tăng ở mức 5,93% so với năm ngoái, như vậy sự thành công chỉ mới một nửa. Bởi, lạm phát thấp không phải do hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng cao, do tăng năng suất lao động cải thiện, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh nền kinh tế...
Bên cạnh đó, lạm phát thấp đạt được trong bối cảnh thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc: nợ công, nợ xấu, nợ đọng (xây dựng cơ bản, thuế, nợ các DN với nhau) còn cao; DN còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản chưa phục hồi, thị trường chứng khoán còn bấp bênh; mô hình tăng trưởng chưa thay đổi với tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm… “Giảm được lạm phát thấp mà thế này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn”, ông Long nói. Thậm chí, theo TS. Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính), lạm phát ở mức quá thấp sẽ làm suy yếu khả năng chống đỡ của DN trước các cú sốc.
Quan ngại lạm phát thấp tiếp tục được đặt ra cho năm 2015. TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Viện Kinh tế - Tài chính) dự báo, CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể dao động trong khoảng 2 - 3%. Mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm và nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Ánh Dương có lưu ý khác, ở thời điểm này, xu hướng lạm phát thấp đang được củng cố. Nhưng những tác động có lợi cho kiềm chế giá cả năm 2014 như: không có biến động thời tiết hay dịch bệnh, giá xăng dầu giảm mạnh… chưa chắc đã lặp lại vào năm 2015.
Tác động hai mặt của lạm phát thấp
Hành xử thế nào với lạm phát thấp cũng là vấn đề được đặt ra lúc này. Theo các chuyên gia, lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, cần tập trung kiểm soát lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới. Bà Dương tính toán, nếu như giá điện tăng theo phương án như báo chí nêu thì xét trong bảng cân đối liên ngành, khi giá bán điện năm 2015 tăng lên 9,5% sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.
Diễn biến của CPI các tháng giai đoạn 2008-2014. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Dự báo con số lạm phát năm tới ở mức 4%, TS. Ngô Trí Long cho rằng, tác động của yếu tố cầu kéo lên lạm phát là không đáng kể (tổng cầu thấp) và các yếu tố chi phí đẩy dự kiến cũng không tác động đáng kể lên lạm phát, do giá cả hàng hóa thế giới dự báo ổn định trong năm 2015; xuất khẩu tiếp tục tăng; cán cân thanh toán thặng dư; tỷ giá ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để tăng cường các biện pháp hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng ông Long cũng cảnh báo: “Chú trọng quá đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung - cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung”. Lạm phát thấp kéo theo sức mua ỳ ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo, người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn. Giới DN ngừng đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí. Lạm phát quá thấp “gặm nhấm” doanh số và nguồn thu thuế, cản trở việc tăng lương, ăn mòn lãi suất cận biên. Chúng cũng đè gánh nặng nợ nần lên các công ty và Chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo rằng kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định nhưng thấp cũng có thể gây tác hại.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến chia sẻ, lạm phát thấp tạo ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam, với thu ngân sách sẽ khó khăn hơn, Chính phủ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách, phát triển kinh tế - xã hội. Giá cả thấp sẽ không khuyến khích đối với đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế vì vậy khó đạt được mức độ cao, mức độ tụt hậu so với các nước vì vậy ngày càng xa.
Ông nói: “Lạm phát thấp nếu kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp diễn ra như thực trạng hiện nay thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại, phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô và kinh tế sẽ bị rối loạn”.
Tri Nhân
Tàu to liệu đã đủ?
Vay vốn ADB nâng cao năng lực quản lý đường sắt đô thị Hà Nội
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
