Sức ép lớn chờ đột phá mạnh
![]() | Cần kịch bản tăng trưởng rõ nét |
![]() | Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực |
![]() | Bốn ưu tiên để tăng trưởng bền vững |
Không thể gọi là kỳ tích
Một năm với nhiều cung bậc cảm xúc vừa đi qua đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng. Là người giữ vai trò “nhạc trưởng” trong Tổ Điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (Tổ 1317), ông Dũng có lẽ thấu hiểu hơn ai hết về tình thế “căng như dây đàn” của cả bộ máy Chính phủ trong năm vừa qua.
Với 3 kịch bản tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tham mưu Chính phủ điều hành trong năm 2017, ông chia sẻ: “Chúng ta hồi hộp theo dõi kết quả đạt được của từng tháng, từng quý, từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm. Hồi hộp theo dõi từng cơn bão, trận lũ để cùng chung sức, chung lòng vượt qua, bảo vệ thành quả mà chúng ta rất khó khăn mới đạt được…”.
![]() |
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng đột biến với mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây |
Từng cung bậc căng thẳng, lo lắng, hồi hộp của các cơ quan điều hành, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập ở trên, không phải là vô căn cứ. Bởi nền kinh tế trong năm 2017 đã khởi động chậm chạp với tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,15% và cho tới hết quý II mới nhích lên mức 5,75%, vẫn cách khá xa mục tiêu đặt ra cho cả năm là 6,7%. Tuy nhiên sau đó cục diện đã thay đổi nhanh chóng.
Tăng trưởng đột phá trong 6 tháng cuối năm kéo mức tăng GDP của năm 2017 đạt 6,81%, thậm chí còn cao hơn so với mục tiêu, trong đó ghi nhận sự bứt tốc của tất cả các nhóm ngành. Lĩnh vực dịch vụ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng nhờ khởi sắc của tất cả các ngành kinh tế chủ chốt. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng đột biến với mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản cũng có một năm thành công nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động nông nghiệp, trong khi thuỷ sản tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm.
Cùng với đó là hàng loạt điểm sáng ấn tượng như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số và lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD; cán cân thương mại cả năm thặng dư khá, sau khi thâm hụt mạnh những tháng đầu năm; thu hút vốn nước ngoài lập kỷ lục mới; vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tăng mạnh, với số DN đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục; khách quốc tế đến Việt Nam trong năm vừa qua cũng lập kỷ lục mới với 12,9 triệu lượt…
Với những xúc cảm “từ gan ruột” như thế, nên kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của năm 2017 có thể khiến các tư lệnh ngành như ông Dũng tạm hài lòng. Tuy nhiên, “tăng trưởng đã vượt mọi dự báo nhưng không thể gọi là kỳ tích”. Ngay sau đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo để ngăn chặn sự hứng khởi quá đà trước những thành tích tăng trưởng đạt được. Bởi lẽ sang năm 2018, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao sẽ là thách thức.
Cần thêm những đột phá lớn
Ban Kinh tế Trung ương nhận định, tăng trưởng đột biến trong khu vực chế biến chế tạo - động lực chính cho tăng trưởng cao của năm 2017 - khó có khả năng tiếp tục duy trì. Ngoài ra, đó còn là những thách thức từ các yếu tố khác như năng suất lao động của nền kinh tế còn thấp và chậm cải thiện; dư địa hạn hẹp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; nợ công tăng cao; tốc độ xử lý các DN yếu kém và sắp xếp, cổ phần hoá DNNN vẫn chậm. Thậm chí, có cả những hạn chế, yếu kém tiềm ẩn và đã tích tụ nhiều năm nay, như bộ máy hành chính cồng kềnh, thủ tục rườm rà gây ra chi phí không chính thức cho DN và người dân…
![]() |
Cùng với sức ép và các hạn chế từ bên trong, sức ép bên ngoài cũng đang gia tăng ngày một rõ nét hơn. “2018 là năm hội nhập bản lề và các hiệp định thương mại tự do sẽ được thực hiện một cách rất nghiêm túc”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo. Hệ quả nhãn tiền là thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ giảm xuống mức 0%, đè nặng lên trách nhiệm thu ngân sách.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều yếu tố bất định khác. Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2018 vẫn diễn biến tích cực, nhưng không còn tích cực như giai đoạn 2016-2017. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại sẽ không bằng năm vừa qua, ít nhiều ảnh hưởng tới một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.
Bên cạnh đó, vẫn còn rủi ro về địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, chống tự do hoá thương mại; EU bắt đầu dừng gói kích thích; nợ của Trung Quốc rất cao và tốc độ tăng trưởng giảm xuống… tất cả đều là các yếu tố có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.
Bối cảnh đó cho thấy, các tồn tại ở bên trong có thể “cộng hưởng” với sức ép bên ngoài, đặt ra bài toán khó hơn đối với cơ quan điều hành. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn của kinh tế Việt Nam sẽ kết thúc trong quý III/2018, sau đó chu kỳ dài hạn cũng chỉ đến năm 2019 là giảm dần và không còn đột phá.
Ông Nghĩa giải thích thêm, Việt Nam đã cán mốc GDP bình quân đầu người 2.000 USD vào năm 2014, tới năm 2017 đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 6% trong 4 năm, hết năm 2018 là 5 năm. Theo quy luật chung của thế giới, chu kỳ tăng trưởng cao này chỉ kéo dài được 5-7 năm, sau đó các yếu tố ngắn hạn bắt đầu hết hiệu lực sẽ kéo tăng trưởng đi xuống. “Trừ khi chúng ta có thay đổi, đột phá lớn về thể chế, công nghệ, chất lượng nhân lực… mới thúc đẩy được tăng trưởng GDP tiềm năng dài hạn cao hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.
Khai phá những lực đẩy dài hạn hơn cũng chính là bài toán đang đặt ra cho những tư lệnh ngành như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Bởi có như vậy, công tác điều hành mới tránh khỏi cảnh thấp thỏm, lo âu như đã diễn ra trong năm 2017 vừa qua.
Tăng trưởng đột phá trong 6 tháng cuối năm kéo mức tăng GDP của năm 2017 đạt 6,81%, thậm chí còn cao hơn so với mục tiêu, trong đó ghi nhận sự bứt tốc của tất cả các nhóm ngành |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
