Quyết liệt gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt
![]() | Hướng đi nào cho ngành thủy sản trước “cơn bão" Covid? |
![]() | Xuất khẩu thuỷ sản: Không lo tăng trưởng kém nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát |
![]() | “Cứu” chuỗi cung ứng thủy sản |
Mục tiêu thách thức
Năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào EU với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng”, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đã đạt được một số kết quả, song việc đạt mục tiêu gỡ thẻ trong năm nay đang là thách thức khi đến nay vẫn còn những vi phạm.
![]() |
Phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong việc gỡ “thẻ vàng” của EU cho thủy sản Việt Nam |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay vẫn chưa ngăn chặn, chấm dứt được hiện tượng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.Vi phạm loại này tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre; đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến; Và vẫn còn hành vi ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 10 ngày. “Phía EC khẳng định không gỡ “thẻ vàng” nếu còn trường hợp vi phạm”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết.
Một trong những việc phải làm để gỡ thẻ vàng là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng đến nay việc này vẫn chưa hoàn thành. Tính đến ngày 31/8 mới có 90,26% tàu cá dài từ 15 mét trở lên lắp thiết bị này. Nhiều tỉnh tỷ lệ lắp đặt còn thấp như Quảng Trị (đạt 64,1%), Trà Vinh (đạt 67,17%), Hà Tĩnh (đạt 68,66%), Quảng Ninh (67,05%)… Tỷ lệ cấp phép cho tàu cá có chiều dài từ 12 -15 mét là mới đạt 71,73%, ở tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 96,61%.
Là một trong những tỉnh vẫn còn tàu cá vi phạm, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, Bình Định vẫn có 16 tàu với 97 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ vì đánh cá ở vùng biển nước ngoài. Khó khăn của Bình Định là có những tàu đăng ký ở Bình Định nhưng lại xuất bến ở tỉnh ngoài như từ Vũng Tàu, Bình Thuận... Nhưng điểm tích cực là Bình Định có 100% tàu trên 15 mét đi khai thác đã lắp đặt xong thiết bị VMS.
Cũng là địa phương vẫn còn tàu cá vi phạm, ông Phạm Trần Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân quan trọng là do một số người dân không biết rõ biên giới trên biển hoặc ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân chung ở nhiều tỉnh thành khác. “4 năm nay cả hệ thống cùng vào cuộc để thực hiện các khuyến nghị của EC, nhưng nghề cá của Việt Nam có xuất phát điểm thấp, quản lý và sự hiểu biết của bà con cũng hạn chế nên so với yêu cầu của Ủy ban Châu Âu (EC) thì khó khăn lắm mới đạt được. Chúng tôi vừa tuyên truyền, động viên, vừa kiểm tra, xử phạt mà kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu”, ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết. Từ năm 2020 đến nay, Quảng Bình có 677 lượt tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển, đã xác minh được 63 tàu cá, kết quả chủ tàu thừa nhận do đang trên đường di chuyển ngư trường, hoặc trôi dạt vượt qua ranh giới, không có hoạt động khai thác thủy sản, còn 13 tàu cá chưa xác minh...
Việc thực hiện đối chiếu thông tin VMS khi tàu cá cập cảng để bốc dỡ thủy sản, khi tàu cá ra, vào cảng còn hạn chế, và chưa đảm bảo độ tin cậy trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Cảnh báo nguy cơ “thẻ đỏ”
Cho đến nay, “thẻ vàng” thì chưa gỡ được đã lại thêm nguy cơ bị “thẻ đỏ” vì vẫn còn tồn tại những vi phạm. Hơn nữa, hiện cũng đang có không ít tác động bất lợi từ bên ngoài đến nỗ lực của Việt Nam trong quá trình gỡ “thẻ vàng”.
"Khi bị “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường EU. Nếu không giải quyết được các vấn đề IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU”, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cảnh báo. Nguy hại hơn nữa, do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao nhận thức, thống nhất và quyết tâm hành động với mục tiêu chậm nhất trong năm nay phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên, cùng EU gỡ “thẻ vàng”, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước nói chung và của ngư dân nói riêng.
Bộ NNPTNT đề nghị các bộ, ngành và địa phương cùng phối hợp hỗ trợ để việc tháo gỡ "thẻ vàng" IUU được nhanh chóng thực hiện, đảm bảo trong năm 2021 sẽ hoàn thành.
Theo Bộ NN&PTNT, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu. Bên cạnh đó, việc Ủy Ban Tài chính và Thuế vụ thuộc Hạ viện Hoa Kỳ giao Ủy Ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) tiến hành điều tra hải sản khai thác IUU nhập khẩu vào Hoa Kỳ và công bố kết quả điều tra về IUU trong đó nêu rõ Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Nga, Mexico và Indonesia) có xuất khẩu thủy sản đánh bắt IUU sang thị trường Hoa Kỳ (7% giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là sản phẩm IUU, tương đương với 106 triệu USD) cũng có thể gây hệ lụy với các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Việc bị cảnh báo cũng như khắc phục “thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
