PMI chỉ còn 51,2 điểm trong tháng Bảy
Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng Bảy chỉ đạt 51,2 điểm so với mức 54 điểm của tháng Sáu, cho thấy mức độ cải thiện đã yếu hơn nhưng đây vẫn là tháng thứ mười liên tiếp chỉ số này vượt ngưỡng 50 điểm - mức phân tách giữa thu hẹp và mở rộng của ngành sản xuất.
“Đà tăng trưởng mạnh mẽ gần đây trong ngành sản xuất của Việt Nam đã bị thay thế bằng mức tăng trưởng khiêm tốn hơn trong tháng Bảy, nhưng các công ty vẫn có thể có được số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn và từ đó tăng tương ứng sản lượng và việc làm”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét.
![]() |
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ mười liên tiếp, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại thành mức yếu nhất kể từ tháng Tư. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng mạnh và nhanh hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tiếp tục tăng sản lượng trong tháng Bảy. Sản lượng đã tăng tháng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và là chậm nhất trong thời kỳ tăng hiện nay khi có các dấu hiệu cho thấy tình trạng nhu cầu giảm, khó khăn trong khâu chuyển hàng và áp lực giá cả.
Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả và nguồn cung đã chậm lại vào đầu quý III.
Về giá cả, tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 10/2020 khi giá một số mặt hàng đầu vào đã giảm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mức tăng lần này vẫn cao hơn mức trung bình của chỉ số khi có các báo cáo cho biết chi phí dầu, khí đốt và vận tải tăng. Tương tự như vậy, giá cả đầu ra tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và mức tăng chỉ là nhẹ.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp gần như ổn định khi mức độ kéo dài thời gian giao hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp thành mức yếu nhất trong 22 tháng. Ở những nơi thời gian giao hàng tiếp tục kéo dài, lý do được cho là do những vấn đề của khâu chuyển hàng và chi phí vận tải tăng.
Các nhà sản xuất tiếp tục tăng lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất, và đây là tháng tăng thứ tư liên tiếp. Mức độ tạo thêm việc làm là mạnh mặc dù đã chậm lại so với mức cao của ba năm rưỡi được ghi nhận trong tháng Sáu. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng không thay đổi sau khi giảm trong tháng trước.
Cùng với việc tuyển thêm nhân viên, các công ty cũng tăng hoạt động mua hàng trong tháng Bảy do số lượng đơn đặt hàng mới tăng và các công ty muốn tăng dự trữ hàng. Những nỗ lực tăng tồn kho hàng mua không có kết quả khi hàng tồn kho trước sản xuất đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm.
Tồn kho thành phẩm cũng giảm, và đây là lần giảm thứ năm liên tiếp và tốc độ giảm là nhanh hơn tháng Sáu. Một số công ty đã giảm lượng hàng tồn kho trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn, trong khi các công ty khác lại cho biết việc xuất khẩu hàng dễ dàng hơn.
Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới. Tâm lý tích cực phản ánh hy vọng rằng nhu cầu khách hàng sẽ tiếp tục cải thiện, điều kiện thị trường ổn định, sự phát triển sản phẩm mới và hoạt động đầu tư kinh doanh. Gần 58% số người trả lời khảo sát lạc quan về triển vọng sản lượng, trong khi 11% có thái độ bi quan.
“Mặc dù có một số dấu hiệu nhu cầu giảm, vẫn có những diễn biến khả quan về giá cả và áp lực từ phía cung. Tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại nhiều, trong khi chuỗi cung ứng đã gần đạt sự ổn định”, Andrew Harker nói và bổ sung “hy vọng những dấu hiệu cải thiện sẽ thúc đẩy triển vọng sản lượng”.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
