Phí chồng phí...
So với một số quốc gia trong khu vực, giá nông sản của ta thường cao hơn từ 20% đến 50%, có khi cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi. Một trong những lý do đẩy giá nông sản lên cao là do trong sản xuất, người nông dân phải gánh quá nhiều khoản đóng góp.
![]() |
Nông sản đang phải “oằn lưng” cõng phí |
Theo điều tra mới đây của Viện Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính), một hạt thóc nông dân sản xuất ra phải cõng hơn 100 khoản đóng góp. Các khoản này thường chia làm 3 phần: Phần thuế nộp cho nhà nước theo quy định; phần dịch vụ của các hợp tác xã bao gồm chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chiếm khoảng 38% đến 40%; các khoản phí mang tính xã hội như phí môi trường, điện, đường, đê điều, hỗ trợ người bị thiên tai… chiếm từ 25% đến 30%. Cùng với giá cả vật tư "leo thang", các khoản phí này cũng tăng thêm khiến giá cả nông sản tăng cao ngay cả khi được mùa.
Các khoản phí quá nhiều và quá cao nên ngay cả những năm được mùa, một hộ nông dân khi bán hết lúa, mỗi sào thu về 1,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 100 nghìn đồng. Nửa năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" thu về được số tiền nhỏ như vậy, chi tiêu sẽ thế nào? Đó là chưa kể những năm phải hứng chịu thiên tai, mất mùa?
Với những người trồng rau ở ngoại thành Hà Nội thì bao công sức vất vả, mưa nắng trồng và chăm sóc rau nhưng lợi nhuận thu về không bằng người buôn rau. Theo lời một người nông dân ở Đông Anh, phải mất 2 tháng kể từ lúc làm đất, gieo hạt, người nông dân mới có thể hái rau đem bán. Tuy vất vả là thế nhưng cũng chỉ thu về vài ngàn đồng/kg rau, trong khi giá rau bán tại các chợ và siêu thị ở Hà Nội lại cao gấp đôi, thậm chí còn cao hơn.
Không chỉ riêng trồng trọt mà nghịch lý này còn xảy ra với nhiều loại nông sản khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Đầu vào ngày càng tăng, đầu ra không ổn định trong khi các khoản phí quá nhiều và quá cao khiến đời sống nông dân không vượt lên được.
Với chăn nuôi heo, việc phải nộp quá nhiều loại phí khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn: Phí tiêm phòng chống dịch, phí kiểm tra lâm sàng, phí kiểm dịch, phí thuốc sát trùng, phí kiểm soát giết mổ, phí gia công giết mổ tập trung, phí vệ sinh tiêu độc/phương tiện, lệ phí mẫu cho heo xuất tỉnh… Bình quân một con heo từ khi còn con giống đến khi xuất chuồng, các loại phí chiếm tới 1/4 chi phí nuôi. Đó cũng là lý do mà nhiều người chăn nuôi giết mổ trái phép để "né" 3 loại phí kiểm dịch, vệ sinh và vận chuyển.
Ngày 6/1, trong buổi làm việc với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh về góp ý cho dự thảo Luật Thú y, ông Nguyễn Văn Trực - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết, hiện phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn khá nhiều, đôi lúc trùng lặp làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông.
Chẳng hạn, đối với con gà, từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt, giết mổ phải chịu khoảng 14 loại phí, lệ phí. Nhiều người chăn nuôi và cơ sở giết mổ cho biết, con số 14 loại phí được nhắc tới vẫn là còn ít, bởi nếu tính hết thì vẫn còn nhiều loại phí khác nữa như: phí bảo vệ môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý động vật chết, phí môi trường, phí chứng nhận trang trại an toàn dịch bệnh… Điều này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến chi phí sản xuất và lưu thông.
Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Đoàn đại biểu TP.Hồ Chí Minh đã mang câu chuyện 1 con gà thịt chịu 14 loại phí kiểm dịch chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Trước sự việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hứa sẽ gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét để bãi bỏ 31 loại phí và lệ phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người nông dân, các doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến thú y.
Thực tế cho thấy, phụ phí đang tỷ lệ nghịch với lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của DN. Nghĩa là phí càng tăng thì lợi nhuận của DN ngày càng giảm, khả năng cạnh tranh trên thương trường sa sút, giảm tính cạnh tranh so với những sản phẩm của các nước khác.
Có thể thấy, hệ thống phân phối chưa hoàn thiện, qua rất nhiều tầng nấc trung gian với nhiều đầu nậu ép giá đã khiến giá nông sản rơi vào tình trạng mua rẻ bán đắt. Nhưng sâu xa hơn là do nhà nông nước ta chưa sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nó bắt nguồn từ quy hoạch ngành nông nghiệp không theo tín hiệu thị trường. Đầu tư cho nông nghiệp quá ít do chưa thu hút được nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để khắc phục thực trạng này, đưa hàng hóa trở về đúng giá trị thực, để những người trực tiếp sản xuất hàng hóa được hưởng lợi từ chính thành quả của mình, chúng ta cần có nhiều giải pháp thiết thực: nâng cao chuyên nghiệp của tất cả các khâu, sản xuất theo mô hình hàng hóa quy mô lớn để xây dựng một vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ việc niêm yết giá nông sản để tránh tình trạng các nhà phân phối độc lập có thể nâng giá bán hoặc liên kết làm giá và nhiều khi nhà sản xuất cũng không thể can thiệp.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Hà Nội: Bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ thông suốt khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng biểu dương lao động giỏi

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Nam A Bank Vietnam Footgolf Open 2025 chính thức khởi tranh
