Nợ bảo hiểm xã hội vẫn "tràn lan"
Công nhân bức xúc vì bị nợ bảo hiểm
Chỉ cách đây mấy ngày, trước cổng Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) ken đặc công nhân đứng chờ. Không phải để vào làm ca, họ đứng đó để yêu cầu được gặp ban lãnh đạo công ty nhằm đối thoại trực tiếp về việc doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội suốt nhiều năm trời.
“Công ty đã trừ lương hàng tháng của chúng tôi để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng suốt 32 tháng qua không hề thực hiện nghĩa vụ đó. Đến khi nghỉ việc, chúng tôi mới phát hiện sổ bảo hiểm bị trống trơn”, một công nhân của công ty cho biết, giải thích lý do anh và hơn 250 công nhân đã đồng loạt ngừng việc để phản đối.
Cũng từng làm việc tại công ty này, chị Trần Thị Thu Thùy, trú tại thị xã Điện Bàn, cho biết: “Tôi nghỉ việc gần 10 tháng rồi, cứ chờ mãi công ty chốt sổ bảo hiểm để đi xin việc mới, nhưng hồ sơ không được tiếp nhận vì chưa đủ điều kiện. Mình thất nghiệp, thiệt đơn thiệt kép”, chị Thùy chia sẻ.
Đây không phải lần đầu tiên người lao động của Công ty May Minh Hoàng 2 đình công phản đối tình trạng nợ bảo hiểm xã hội. Trước Tết Nguyên đán 2025, hàng trăm công nhân của doanh nghiệp này cũng từng đồng loạt nghỉ việc vì công ty không giải quyết thưởng Tết và nộp bảo hiểm xã hội như cam kết. Tuy công ty có hứa hẹn, nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.
![]() |
Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). |
Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Sở Nội vụ Quảng Nam và các đơn vị chức năng đã có mặt tại hiện trường để đối thoại, nhưng phía công ty không cử đại diện tham dự. Nhiều cuộc gọi từ cơ quan chức năng cũng không nhận được phản hồi.
“Chúng tôi rất cần một cuộc đối thoại thực chất để giải quyết quyền lợi cho người lao động, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn nếu doanh nghiệp thực sự gặp vấn đề”, ông Nguyễn Qui Quý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam thông tin thêm.
Câu chuyện tại Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 không phải là cá biệt ở Quảng Nam. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, hiện có nhiều doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong số đó, Công ty CP Tập đoàn Royal Capital (TP. Hội An) nợ bảo hiểm của 183 lao động với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. UBND tỉnh đã từng ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp số tiền 150 triệu đồng.
Cần mạnh tay xử lý
Thực tế cho thấy, có hai nhóm doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội: Nhóm thực sự gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và nhóm cố tình trốn tránh nghĩa vụ, thậm chí lạm dụng khoản tiền này để phục vụ mục đích khác. Đáng lo hơn, nhiều công ty dù vẫn đều đặn khấu trừ tiền bảo hiểm từ lương của người lao động nhưng lại không chuyển nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội - một hành vi vừa vi phạm quy định pháp luật, vừa gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc nợ bảo hiểm xã hội không chỉ là sự “giam giữ quyền lợi” của người lao động, mà còn đặt họ vào thế bị động, thiệt thòi trên nhiều mặt. Không thể chốt sổ, không thể chuyển công tác, không thể nhận trợ cấp thất nghiệp, không thể khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế… khiến người lao động bị "lọt sàng" an sinh xã hội.
“Có những người sau nhiều năm làm việc không được đóng bảo hiểm đầy đủ, giờ thất nghiệp cũng không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào. Chúng tôi nhận được nhiều đơn thư cầu cứu, mà việc xử lý lại kéo dài vì thiếu chế tài đủ mạnh”, một cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
![]() |
Cần chế tài xử phạt "mạnh tay" đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì nợ bảo hiểm. |
Cũng theo ông Nguyễn Qui Quý, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, không thể chỉ dừng ở việc “nhắc nhở, khuyến cáo” hay xử phạt hành chính như hiện nay. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, thậm chí đề xuất các biện pháp mạnh như phong tỏa tài khoản doanh nghiệp, hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra nếu có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm theo quy định.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các công ty nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Nếu tiếp tục lảng tránh, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp cưỡng chế, thậm chí khởi tố nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, ông Quý khẳng định.
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần phối hợp đồng bộ hơn trong xử lý doanh nghiệp vi phạm, không để mỗi đơn vị “đánh trống lẻ loi” mà thiếu sự kết nối hiệu quả. Một số vụ việc dù đã phát hiện vi phạm, nhưng do quy trình xử lý chồng chéo, kéo dài, nên quyền lợi của người lao động vẫn tiếp tục bị xâm hại.
Để bảo đảm môi trường làm việc công bằng, minh bạch, các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình. Bảo hiểm xã hội không phải là gánh nặng, mà là quyền lợi chính đáng của người lao động, những người góp phần tạo nên giá trị cho doanh nghiệp.
Nợ bảo hiểm xã hội không những là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn đánh mất niềm tin của người lao động. Một khi niềm tin đã rạn vỡ, rất khó để hàn gắn. Và hậu quả không chỉ người lao động gánh chịu, mà chính doanh nghiệp cũng sẽ phải trả giá bằng sự quay lưng của xã hội.
Tin liên quan
Tin khác

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua facebook, fanpage giả mạo

Hiểm họa từ những cuộc gọi “kết nối kém”

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo trực tuyến
Khởi tố Hằng "Du mục", Quang Linh Vlogs

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý lừa đảo trên không gian mạng

Bộ Tài chính sẽ hậu kiểm, xử lý hành vi gian lận hoàn thuế TNCN

Cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề xuất bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật

Cẩn trọng chiêu trò sử dụng công nghệ AI cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, đe dọa tống tiền
