Phát triển xanh là tất yếu với ngành logistics
Xanh hóa ngành logistics để phát triển bền vững Động lực mới phát triển ngành logistics Đà Nẵng |
Theo đánh giá của các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu, trong đó, riêng ngành logistics đang đóng góp đáng kể vào lượng phát thải carbon (CO2) ước tính ở mức 7-8%.
Ngành logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. 75% hàng hoá vẫn được vận chuyển qua đường bộ, chỉ khoảng 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và 2% vận chuyển qua đường sắt.
![]() |
75% hàng hoá vẫn được vận chuyển qua đường bộ |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo, phát thải CO2 của các ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.
“Doanh nghiệp logistics Việt vì vậy cần tận dụng lợi thế, đưa yêu cầu bức thiết về xanh hoá trở thành “động lực”, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn. Doanh nghiệp logistics Việt cần chuyển đổi để tối ưu chi phí vận hành, số hoá hoạt động, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ logistics”, ông Khoa nhận định.
Thực tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.
Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với hàng hóa có lượng phát thải cao khi nhập khẩu… Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics ngoài EU nếu họ nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty châu Âu có nghĩa vụ báo cáo. Theo quy định, dến năm 2028, các công ty ngoài EU có hoạt động tại châu Âu cũng sẽ phải tuân theo quy định này.
Khẳng định tính cấp thiết để phát triển logistics xanh, ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cho rằng, giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để thực hiện cam kết thải ròng khí CO2 bằng không, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ ngày càng nhiều yêu cầu và quy định từ các đối tác thương mại lớn nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường. Áp lực về tính bền vững và giám sát chặt chẽ lượng khí thải khiến yếu tố môi trường ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng đối với khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ( SMEs) và các công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức. Đồng thời, cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững. Ví dụ, đầu tư vào công nghệ mới, tài liệu vận tải điện tử. Việc đầu tư vào công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa tuyến đường và giảm phát thải”, ông Stéphane Graber đưa ra khuyến nghị.
Hiện tại, các doanh nghiệp logistics đang tham gia rất sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi “cuộc chơi” hiện nay cũng đã thay đổi. Những nhà mua hàng đều đã đưa ra những dự luật mới về vấn đề tăng thuế nhập khẩu đối với những hàng hóa có lượng phát thải cao. Vì vậy, với vai trò là một mắt xích trong các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm để thay đổi và tạo sự cạnh tranh cho các đối tác của mình.
Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đang có quốc sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, hướng tới netzero vào năm 2050, các hành động cụ thể đã được thực hiện. Dù muốn hay không muốn đây cũng là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp phải chung tay tham gia vào quá trình này. Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn khi hạ tầng đang được ngày càng hoàn thiện, là sức hút cho ngành logistics Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần cùng nhau thay đổi từ nhận thức tới hành động để phát triển bền vững.
Nhấn mạnh chuyển đổi xanh với logistics sẽ bao gồm chuyển đổi năng lượng với các phương tiện, thay đổi phương thức vận tải cũng như vận hành ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết hiện nay, vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải xanh có lợi thế lớn trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon. Ngoài ra, các biện pháp về quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất của quá trình là yếu tố quan trọng trong phát triển logistics xanh. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính.
“Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045. Một trong những nội dung của Dự thảo Chiến lược là nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số”, ông Hải nói.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
