Phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn
![]() | Phát triển đô thị thông minh để giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội |
![]() | Xây dựng đô thị thông minh: Tránh làm theo phong trào |
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn |
Đô thị chỉ thực sự thông minh khi giữ được bản sắc cộng đồng
Với chủ đề “Đô thị thông minh hướng tới cộng đồng, bản sắc và bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, phiên toàn thể của Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 1200 đại biểu.
Tại phiên toàn thể của Diễn đàn, khi phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Các đô thị thông minh chỉ thực sự thông minh khi giữ gìn và phát huy được bản sắc của cộng đồng.
“Việt Nam xác định đô thị thông minh là một trong 3 nội dung cốt lõi khi tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số”, Trưởng ban Nguyễn Văn Bình cho biết.
Nghị quyết 52-NQ/TW (27/9/2019) của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ ít nhất có 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030 Việt Nam sẽ có một chuỗi đô thị thông minh.
Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trườn và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Nhưng, câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Và câu trả lời là đô thị thông minh.
Nhưng đô thị thông minh phải là đô thị có bản sắc và bền vững. Trưởng ban Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh về vấn đề hướng tới giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Bản sắc cộng đồng tạo ra niềm tự hào, tự tôn, đoàn kết, cảm giác thân thuộc và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong việc tham gia vào các hoạt động chung.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị thông minh không thể thành công nếu thiếu vắng sự tham gia chủ động và tích cực của mỗi công dân; các đô thị chỉ thực sự thông minh khi giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng của cộng đồng mình.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh làm sao phát triển các đô thị vừa thông minh vừa bền vững.
Đô thị thông minh phải là của người dân, doanh nghiệp
“Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm sáng tỏ nhiều chân trời ý thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn định hướng, dự báo các vấn đề rủi ro, nguy cơ chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng của xã hội”, Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện có 3 thành phố tham gia mạng lưới đô thị thông minh ASEAN là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Với vai trò là thành viên tích cực của ASEAN, nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam có nhiều chính sách phát triển đô thị thông minh, coi đây là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025, tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý hiệu quả... giao dịch thân thiện giữa chính quyền, nhà quản lý, người dân và nhà đầu tư.
“Phát triển đô thị thông minh thực sự là cuộc chơi lớn, trong đó cần có những người cùng chơi có tầm nhìn và tiềm lực, sự phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường, thiết lập hệ sinh thái đô thị. Việt Nam là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng phát biểu và nhấn mạnh một số nội dung quan trọng, đó là:
Phát triển đô thị thông minh gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạng, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trong vấn đề và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Phát triển đô thị thông minh trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn nhu cầu và năng lực của địa phương. Không thực hiện theo phong trào; cần làm từng bước có chọn lọc theo lộ trình.
Phát triển đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy thành quả 30 năm đổi mới, phát triển những giá trị gia tăng trong công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hoá, đặc trưng riêng của ASEAN và từng quốc gia thành viên.
Các địa phương cùng chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh, đưa ra các quyết định thông minh, các giải pháp quản lý đô thị thông minh.
Thủ tướng nhấn mạnh phải thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên. Đó là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn.
Khoảng 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng các-bon đi-ô-xít (CO2) trên toàn thế giới. Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
