Pháp muốn làm cầu nối thúc đẩy quan hệ Mỹ - EU
Thêm vào đó, trong khi ông Trump không được lòng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu do các phát biểu "gây sốc" nhằm vào các đối tác châu Âu, chính sách bảo hộ thương mại, cũng như sự chia rẽ về các vấn đề toàn cầu, thì chuyến thăm Paris của ông được xem là cơ hội để Pháp thúc đẩy nỗ lực trở thành cầu nối cho mối quan hệ EU-Mỹ.
![]() |
Tổng thống Pháp Macron (trái) và Tổng thống Mỹ (Trump) tại Hội nghị G20 ở Đức |
Lạt mềm buộc chặt
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có những bước đi nhằm gia tăng ảnh hưởng của Pháp nói chung và uy tín cá nhân nói riêng trên trường quốc tế. Tháng Năm vừa qua, ông Macron cũng đã mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin sang thăm Pháp.
Cả ông Putin và ông Trump, trước đó đều bị ông Macron chỉ trích về nhiều vấn đề khác nhau nhưng lại là những người đầu tiên đến Paris sau khi tân Tổng thống Pháp nhậm chức với lễ đón tiếp rất trọng thị. Có thể thấy, ông Macron đang muốn chứng minh cho thế giới thấy vị thế của mình trong đàm phán với những lãnh đạo của hai cường quốc có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới.
Lời mời Tổng thống Mỹ Trump đến Paris của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy chiến lược của ông Macron trong việc quyết tâm nhằm đảm bảo rằng Mỹ vẫn can dự ở phương Tây bất chấp nhiều người ở châu Âu có ác cảm đối với cách tiếp cận của ông Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chỉ trích ông Trump vì đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng Năm vừa qua, ông Macron lại bày tỏ hy vọng có thể thuyết phục tổng thống Mỹ. Nỗ lực này thể hiện rõ hơn ngay tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hamburg Đức vào đầu tháng này, khi ông Macron có những biểu hiện thân thiện với ông Trump.
Trong cuộc gặp mới nhất tại Paris, Tổng thống Pháp Macron còn tuyên bố tôn trọng quyết định trên của Mỹ, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất ngờ có những tuyên bố để ngỏ khả năng xem xét lại quan điểm liên quan tới Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Có những dấu hiệu cho thấy ông Trump - một nhà dân túy dân tộc chủ nghĩa hay châm chích người khác trên diễn đàn quốc tế - và ông Macron - một người đi đầu chủ nghĩa quốc tế của Liên minh châu Âu (EU) và nền dân chủ tự do - có thể lại thực sự rất ăn ý với nhau.
Theo Euronews, nguồn gốc làm kinh doanh của ông Macron, gồm những công việc tại Ngân hàng Đầu tư Rothschild và làm Bộ trưởng Kinh tế, cũng giúp cho ông dễ hòa hợp hơn với ông Trump. Euronews nhận xét: “Cả ông Trump và ông Macron đều có lợi ích chính trị trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết, và cả hai cũng đều có nền tảng hoạt động kinh doanh có thể giúp tăng cường quan hệ”.
Quan trọng hơn hết, Mỹ và Pháp có quan hệ chặt chẽ và lâu đời, từ tình báo, an ninh đến thương mại. Cả ông Trump và ông Macron, tuy có quan điểm khác biệt trên nhiều lĩnh vực nhưng đều đặt quyền lợi chung của hai nước lên trên những quan điểm cá nhân. Hai nhà lãnh đạo có cùng lập trường về vấn đề Syria và chống khủng bố.
Vai trò của Paris trong việc kết nối Mỹ-EU
Với sách lược ngoại giao “tranh thủ”, kể từ khi bước chân vào sân khấu quốc tế, Tổng thống Pháp đã cho thấy mong muốn trở thành một nhà trung gian hòa giải, giữa lúc căng thẳng tăng cao trong những tháng vừa qua giữa Nga, Mỹ và Đức. Theo giới quan sát, ông là nhà lãnh đạo chính trị vừa có khả năng thân mật với Thủ tướng Angela Merkel, vừa có thể đối thoại với Tổng thống Nga Putin lại vừa có thể lắng nghe Tổng thống Trump.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Macron là củng cố tính thống nhất của EU cũng như dự định đóng vai trò cầu nối giữa EU và Mỹ. Nếu thành công, điều đó không chỉ góp phần tăng uy tín chính trị cho cá nhân ông Macron mà còn bù đắp sự chênh lệch và mất cân bằng hiện nay về vai trò của Đức và Pháp trong EU. Giới phân tích vẫn đánh giá Đức có vai trò lớn hơn, dẫn dắt EU hơn so với Pháp, bởi xét về khía cạnh kinh tế thì Đức vẫn là quốc gia dẫn đầu châu Âu.
Nhưng ở chiều ngược lại, Pháp lại có thế mạnh về tiềm năng quân sự và kinh nghiệm ngoại giao phong phú. Khi Anh rời khỏi EU thì Pháp trở thành quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân ở khu vực. Và tất nhiên điều này tỷ lệ thuận với vị thế của Pháp trong lĩnh vực quân sự, trên thị trường vũ khí, kinh nghiệm ngoại giao và chính trị quân sự... Và có thể nói, ông Macron sẽ tận dụng những thế mạnh đó để can thiệp vào các chính sách của châu Âu nói chung và đảm bảo lợi ích của Pháp nói riêng.
Tổng thống Pháp đã thể hiện sự coi trọng đối với Tổng thống Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước, hy vọng rằng sẽ có sự điều chỉnh tích cực trong thời gian tới. Xa hơn nữa, ông Macron muốn chứng tỏ vị thế của nước Pháp ở vị trí trung tâm trong trục quan hệ Mỹ-Âu-Nga và trong các vấn đề toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump cũng muốn tránh khỏi thế bị cô lập. Mối quan hệ Mỹ-châu Âu luôn quan trọng chính vì vậy hai Tổng thống Macron và Trump hiểu rõ rằng cần hâm nóng lại quan hệ vì lợi ích chung.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Fed phản ứng thế nào trước các rủi ro thuế quan?
