Nỗ lực bơm vốn rẻ vào nền kinh tế
![]() | Ngân hàng chủ lực bơm vốn các lĩnh vực ưu tiên |
![]() | Ngân hàng có thêm không gian để bơm vốn |
![]() | Bơm vốn ưu đãi cho các vùng nghèo |
Tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam cho biết, đến 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, gần hơn 2 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%.
Bên cạnh đó, nhìn vào cơ cấu tín dụng đến giữa tháng 6/2021 có thể thấy, dòng vốn tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Theo đó, dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
![]() |
Các ngân hàng đang triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng |
Trong khi đó theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng chậm lại, dự kiến đến hết tháng 6/2021 chỉ tăng khoảng 5,5%. “Với mức tăng hiện tại, cơ quan quản lý vẫn kiểm soát tốt. Nhưng NHNN đã yêu cầu các TCTD đánh giá lại, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng trong từng lĩnh vực”, ông Tuấn Anh nói. Còn với lĩnh vực chứng khoán, dự kiến đến hết tháng 6/2021, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực chỉ đạt khoảng 46.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,48%/tổng dư nợ nền kinh tế. Nhưng NHNN vẫn sẽ tập trung, kiểm soát hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này do sự biến động liên tục trên thị trường chứng khoán 6 tháng gần đây.
Để đạt được kết quả trên một phần cũng nhờ NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, song song với việc kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro... Đặc biệt, NHNN tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, bức tranh tín dụng những tháng đầu năm là rất tích cực, trong đó các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đối với khách hàng, người dân bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4. Tín dụng tăng trưởng tích cực đã hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi tăng trưởng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, động lực tín dụng tăng mạnh trong hơn 6 tháng đầu năm do Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai tiêm vắc-xin khiến người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh. Trong đó dòng tín dụng tập trung cho vay đối với sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu; bên cạnh đó là những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, do nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều. “Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro, tôi cho rằng, dòng tín dụng đang đi đúng vào sản xuất - kinh doanh”, ông Thịnh nhận định.
Bày tỏ sự cảm ơn về những giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, trong những năm qua ngành Ngân hàng luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, từ chính sách ưu đãi tín dụng, lãi suất… đến các giải pháp chăm sóc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay cũng như triển khai nhiều giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Vốn rẻ sẵn sàng chảy vào nền kinh tế
Ghi nhận những nỗ lực của ngành Ngân hàng, song trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và đã xuất hiện tại nhiều khu công nghiệp, có ý kiến cho rằng, nền kinh tế cần dòng vốn lớn với lãi suất hợp lý để phục hồi. Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Về phía các ngân hàng đã rất chủ động liên tục đưa ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Đơn cử mới đây, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên 200.000 tỷ đồng. Tùy theo đối tượng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, tương đương thấp hơn từ 2% - 2,5% lãi suất cho vay thông thường, cùng đối tượng. Sacombank tung gói tín dụng quy mô 10 nghìn tỷ đồng lãi suất với lãi suất từ 4%/năm đến 6,7%/năm dành cho doanh nghiệp có quy mô từ siêu nhỏ đến lớn…
Với những nỗ lực từ phía ngân hàng cùng với kỳ vọng dịch bệnh kiểm soát tốt trong tháng tới, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng vẫn có thể diễn biến khả quan. Lường đón nhu cầu tín dụng sẽ tăng cũng với đà phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát nên nhiều ngân hàng đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng. Lãnh đạo Vietcombank cho biết đã sử dụng hết hơn một nửa hạn mức tín dụng cả năm và đang mong được NHNN nới room tín dụng năm nay từ mức 10,5% lên 14%.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Tuấn Anh cũng ghi nhận tình hình tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng khá tốt. Hiện có khoảng 10 ngân hàng đang mong muốn nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng NHNN đang xem xét phân tích, đánh giá để xử lý và điều chỉnh hạn mức phù hợp bảo đảm tăng trưởng có chất lượng, hài hòa với nền kinh tế.
Trước lo ngại về khả năng gia tăng nợ xấu cùng việc nhiều ngân hàng xin nới room tín dụng như trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, cho biết, NHNN sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD để xếp hạng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Các ngân hàng ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, quản trị rủi ro tốt sẽ được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao hơn. “Hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
