Những trang “nhật ký bằng thơ” về mùa đông 1972
Những ngày cuối tháng 12 này đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trong rất nhiều ký ức và kỷ niệm, nhiều người vẫn nhắc nhớ tới nhà thơ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang. Cả hai ông đều đã đi xa. Sinh thời, nhà thơ Phan Vũ đã kể về thời điểm cũng như cảm xúc, bối cảnh khi ông viết bài thơ dài “Em ơi! Hà Nội phố” sau này nhạc sĩ Phú Quang đã chọn ra những câu tâm đắc để phổ thành bài hát nổi tiếng cùng tên.
![]() |
Bức tranh của Phan Vũ với những câu thơ từ trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” |
Nhà thơ Phan Vũ từng tiết lộ rằng, ông viết “Em ơi! Hà Nội phố” từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến được với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập “Thơ Phan Vũ”. “Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở TP.HCM, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa. Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc “Em ơi! Hà Nội phố” giữa Thủ đô”, nhà thơ từng tâm sự.
Tháng Chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, Phan Vũ khởi viết những câu đầu tiên: “Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa...”. Điệp từ “Ta còn em, ta còn em...” được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. “Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. “Ta còn em...” là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về”, lời của nhà thơ Phan Vũ.
Nhưng “Em ơi! Hà Nội phố” không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng Chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hàng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên. Vì thế, với thi sĩ Phan Vũ, điệp từ “Ta còn em...” còn có nghĩa “Ta mất em...”.
“Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy Điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.
Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! “Em ơi! Hà Nội phố” với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt”.
Theo nhà thơ Phan Vũ, khoảng năm 1985, một lần gặp Phú Quang ông có nói chuyện và đọc cho nhạc sĩ của Hà Nội nghe một số đoạn của trường ca này. Sau đó, nhạc sĩ Phú Quang đã đồng cảm và rút tỉa tinh thần, một đoạn thơ trong trường ca của Phan Vũ. Khi ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của Phan Vũ, nhưng vị thi sĩ già vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! “Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng. Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó”, Phan Vũ từng tâm sự.
Trong khi đó, nhạc sĩ Phú Quang lúc sinh thời cũng nhiều lần kể về kỷ niệm với nhà thơ Phan Vũ. Vị nhạc sĩ vẫn nhắc đến lần đầu tiên đọc trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” khi gặp nhà thơ Phan Vũ tại TP.HCM. Đó là năm 1985 và thời điểm đó Phú Quang cũng đang rất nhớ Hà Nội. Phú Quang có sự đồng cảm sâu sắc, bởi ông cũng là nhân chứng của trận bom B-52 trên phố Khâm Thiên vào mùa Giáng sinh năm 1972. Khi nghe Phan Vũ đọc trường ca, Phú Quang đã nói ngay rằng sẽ có bài hát hay từ ý thơ này. Ngay hôm sau, Phú Quang mời Phan Vũ đến nhà. Nghe Phú Quang đàn piano hát xong bản nhạc vừa mới phổ, nhà thơ Phan Vũ lặng im, rồi bật khóc vì xúc động…
Bây giờ, ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” đã trở nên quá nổi tiếng, nằm trong trái tim nhiều người yêu âm nhạc, yêu Hà Nội. Ca khúc cũng được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: NSND Lê Dung, Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân, Bằng Kiều và gần đây là Đức Tuấn. Nhưng theo Phú Quang, người hát đúng chất nhất (mà nhà thơ Phan Vũ cũng đồng tình), là ca sĩ Lệ Thu…
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
