Những động lực mới của kinh tế châu Á
Thúc đẩy kinh tế số
Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế số và thúc đẩy việc áp dụng các ứng dụng kỹ thuật số trong hầu hết các lĩnh vực, từ thương mại điện tử, ngân hàng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… đến logistics và trung tâm dữ liệu. Việc số hóa các hoạt động đã giúp nâng cao năng suất ở các quốc gia.
Để tăng tỷ trọng của kinh tế số trong GDP, các quốc gia châu Á đang thiết kế lại kế hoạch tăng trưởng. Chẳng hạn như Indonesia đã công bố Lộ trình Indonesia kỹ thuật số (2021-2024). Hay Thái Lan đang thực hiện chuyển đổi Công nghiệp 4.0 để chuyển động lực tăng trưởng từ các ngành công nghiệp nặng sang đổi mới sáng tạo và có các chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư vào blockchain, điện toán đám mây và bảo mật công nghệ thông tin. Malaysia cũng đã dành ngân sách 70 tỷ RM cho các khoản đầu tư kỹ thuật số vào năm 2025, còn Singapore đang phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho việc mua sắm công nghệ thông tin-truyền thông. Nhật Bản cũng đang ưu tiên đầu tư kỹ thuật số; vào tháng 9/2021, cơ quan kỹ thuật số do chính phủ lãnh đạo đã được thành lập để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ ở cấp khu vực công.
![]() |
Môi trường làm việc cũng có nhiều thay đổi cùng với tiến trình số hóa. Các nền tảng kỹ thuật số mới đã mọc lên cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết giảm được chi phí bằng cách thuê nhân viên theo yêu cầu, trong khi tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động hợp đồng. Malaysia đã xác định nền kinh tế hợp đồng là một nguồn tăng trưởng mới tiềm năng và đưa nó vào Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (2021-2025).
Tuy nhiên, việc tăng tốc số hóa cũng làm tăng nguy cơ “chia rẽ kỹ thuật số”. Việc không được tiếp cận với internet và các thiết bị thông minh đã hạn chế cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc làm và các lợi ích khác của các nhóm yếu thế. Do đó, thách thức sẽ là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số một cách toàn diện và bình đẳng.
Nâng cấp khả năng sản xuất
Hoạt động sản xuất hướng tới xuất khẩu sẽ tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi tăng trưởng của khu vực. Một trong những bài học kinh nghiệm từ đại dịch này là các nhà sản xuất cần đa dạng hóa đầu tư và xây dựng các chuỗi cung ứng phù hợp trong tương lai.
Hiện các nhà sản xuất trong khu vực đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện sản lượng và hiệu quả. Đồng thời tìm cách tận dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Để thu hút các khoản đầu tư mới, các nền kinh tế Đông Nam Á đang sắp xếp hợp lý danh mục đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện cắt giảm thuế, đưa ra các ưu đãi tài khóa cho các đặc khu kinh tế/khu công nghiệp và thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Ví dụ việc áp dụng Luật Tạo việc làm Omnibus ở Indonesia là một bước quan trọng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để thu hút FDI và tạo ra một thị trường lao động linh hoạt hơn. Hay Thái Lan đang phát triển Hành lang kinh tế phía Đông như một điểm đến công nghiệp để thu hút đầu tư vào thiết bị điện tử và robot thông minh…
Phát triển bền vững
Đại dịch cũng buộc các chính phủ châu Á phải tập trung vào các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như năng lượng sạch và xe điện (EV).
Ví dụ, Indonesia đang cố gắng tận dụng nguồn dự trữ kim loại dồi dào của mình để phát triển các lĩnh vực như xe điện hay pin dùng cho xe điện và có tiềm năng trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong ngành pin toàn cầu.
Hay như ngành năng lượng tái tạo của Malaysia vốn bị đình trệ bởi đại dịch đang được hồi sinh. Theo đó, chính phủ nước này đã đưa ra một dự án năng lượng mặt trời 1 GW trị giá 4 tỷ RM. Hiện các tổ chức tài chính lớn nhất của Malaysia có xu hướng từ bỏ than, trong khi các khoản đầu tư shariah đang nhanh chóng áp dụng các nguyên tắc ESG. Chỉ số FTSE4Good Bursa Malaysia Shariah mới ra mắt gần đây là một khởi đầu tốt để đáp ứng nhu cầu đầu tư bền vững và tuân thủ shariah của cộng đồng.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
