Nhịp sống thời công nghệ
![]() | Dịch vụ ngân hàng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn |
![]() |
Grab Food - một dịch vụ giao hàng ăn đang phổ biến ở thành phố |
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang len lỏi vào từng ngõ phố, căn nhà từ thành thị tới nông thôn. Nó đã tạo ra sự thay đổi trong cách sống, cách làm việc của mọi tầng lớp lao động, từ những công chức cổ cồn cho tới cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến đồng bào dân tộc vùng cao Sơn La sử dụng dịch vụ uỷ thác trích nợ tự động từ tài khoản để thanh toán tiền điện.
“Mình làm nương trên núi, cán bộ đến thu tiền điện thì không gặp, mình đi đóng tiền lắm lúc cũng phải tìm mãi mới thấy người thu, bất tiện lắm! Từ lúc được cái ngân hàng giới thiệu cách thu tiền hộ, mình thấy nhàn tênh! Đến ngày nó tự thu và nhắn tin cho mình đây này! Không sợ thiếu, chẳng sợ thừa cũng chẳng mất thời gian, lại không sợ tiền rơi...”, Giàng Văn Sáu (Sơn La) chia sẻ về dịch vụ ủy thác thu tiền điện của ngân hàng.
Cuộc CMCN 4.0, bắt đầu từ những điều đơn giản như thế và nó dần lan toả đến các ngóc ngách của cuộc sống. Nó làm cho cuộc sống trở nên nhanh chóng, giản đơn và thanh nhàn hơn. Hà Minh Trang, cán bộ ngân hàng 25 tuổi, là một “tín đồ mua sắm”. Do công việc ngân hàng bận rộn, thời gian nghỉ trưa lại ít mà việc ra ngoài đi ăn chiếm nhiều thời gian, chính vì thế dịch vụ giao đồ ăn với cô là một phần của cuộc sống. Hàng ngày vào quãng 11 giờ trưa, cô lại mở ứng dụng Foody tìm đồ ăn trưa. Đó là cả thế giới đồ ăn thức uống với nhiều quán quen, lắm món lạ: ăn nhanh có miến lươn trộn, bánh canh ghẹ; ăn qua bữa có cơm văn phòng, bánh mỳ; hôm nào rảnh rang có thể gọi đồ lai rai như nem chua rán, gà lắc, sữa chua chân châu…
Chỉ cần chọn món, nhấn nút thêm vào giỏ hàng và chờ được phục vụ tận nơi. “Chỉ sau vài phút là đồ ăn giao đến tận nơi cho mình, nhanh chóng và tiện lợi, khuyến mãi nhiều nên giá cũng không đắt mà lại được chọn đồ mình thích, có thể đổi món mỗi ngày…”, Trang nói.
Không chỉ Trang mà nhiều bạn trẻ như vậy, mua hàng trực tuyến giờ đây đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thời 4.0. Giới trẻ đô thị luôn có một cuộc sống đầy năng lượng, luôn chạy đua với công việc và lo toan cuộc sống, thích không gian mạng xã hội, am hiểu công nghệ, và vì vậy họ có trong tay tất cả mọi năng lực để hiện thực hóa khao khát cuộc sống tiện ích của mình. Hàng chục triệu người dùng điện thoại thông minh, sẵn tài khoản ngân hàng trong tay và nhu cầu về hàng hóa dịch vụ lớn, họ là đối tượng của các ngành dịch vụ, ứng dụng gọi xe là một ví dụ.
Giờ đây ở nhiều thành phố lớn, khi gọi xe qua các ứng dụng Grab, Goviet… bạn có thể bất ngờ được một chiếc Mercedes E200 phục vụ tận cửa, quãng đường từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài chỉ phải trả 250 nghìn đồng/lượt, hay “book” một chiếc 4 chỗ cho vài đồng nghiệp từ cơ quan đến quán quen cách 4 con phố chỉ với giá 5 nghìn đồng sau khi trừ mã khuyến mãi...
“Thông tin về quãng đường, giá thành, loại xe, người lái… đều rõ ràng khiến mình yên tâm hơn hẳn khi sử dụng dịch vụ này. Nói thật, mình rất ngại khi đi quãng ngắn, cũng như không biết đi taxi với quãng đường từ bến xe về chỗ trọ có đắt quá không. Chính vì thế khi có các ứng dụng gọi xe mình đã sử dụng ngay”, Lê Hoài An, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng chia sẻ.
Không chỉ có vậy, cuộc cách mạng 4.0 còn làm cho phương thức sản xuất của con người thay đổi cơ bản. Trong đó, sản xuất được điều khiển, hỗ trợ, quyết định từ không gian số. Các tiến bộ đột phá của công nghệ số cho phép thực hiện các tính toán phức tạp, giúp sản xuất thông minh và hiệu quả hơn.
Những trang trại trồng rau, trồng hoa hiện đại ở Đà Lạt, Vĩnh Phúc có thể coi là điển hình cho trào lưu ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ở những nơi đó, độ ẩm của không khí, dinh dưỡng trong đất, ánh sáng… được tính toán chi tiết và điều chỉnh để phù hợp với từng loại rau, củ khác nhau. Thiếu dinh dưỡng, hệ thống máy tính sẽ tự động bón phân; thiếu ánh sáng, hệ thống đèn điện sẽ được bật để bù sáng cho rau phát triển... Điều đáng nói là cả quy trình phức tạp ấy được thực hiện thông qua hệ thống cảm biến và máy tính kết nối Internet. Còn ông chủ của những nhà vườn hiện đại ấy chỉ việc ngồi nhâm nhi cà phê và nghe nhạc chờ rau, hoa đến ngày thu hoạch.
Nguyễn Văn Thành, chủ một vườn hoa lan lớn tại Hoài Đức cho biết, toàn bộ hệ thống tưới cho vườn lan hơn 2000 m2 của anh được kết nối trực tuyến qua máy tính. Tùy từng giống lan mà cài đặt những chế độ tưới, phun sương, bón phân cho phù hợp nhất. Tất cả những đặc tính cơ bản của giống lan được nhập dữ liệu vào máy tính chủ. Từ đây, hệ thống cảm biến đặt trong vườn sẽ ghi nhận số liệu thực tế và đối chiếu với điều kiện cho sẵn để tính toán tưới, phun hay cảnh báo cho người trồng.
“Chúng tôi chỉ cần nhìn những số liệu do máy tính cấp để ra quyết định cho hệ thống tự động làm việc. Quy trình này đã giúp năng suất tăng lên gấp 3 lần trong khi chi phí thì giảm nhiều lần”, Nguyễn Văn Thành nói.
Không chỉ trồng cây theo công nghệ, mà nhiều nhà vườn còn áp dụng hệ thống mã QR code cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm như một thứ “tem” bảo hành chất lượng cho nhà vườn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng thêm hệ thống camera giám sát chuyên nghiệp để bất kỳ khách hàng nào cũng có thể truy nhập, giám sát quá trình chăm sóc, chế biến, bảo quản… sản phẩm của mình. Điều này vừa làm tăng chất lượng của sản phẩm vừa tạo niềm tin cho khách hàng của mình.
Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới mọi ngõ ngách của cuộc sống trên đất nước Việt Nam như thế. Công nghệ phát triển, khoảng cách địa lý không còn là rào cản khiến những người như Trang có thể kết nối với cả thế giới. Thậm chí trong một tương lai không xa, hình ảnh những anh nông dân như Thành dùng điện thoại di động để điều khiển trang trại của mình sẽ trở nên thân thuộc hơn.
Song, công nghệ thời 4.0 cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho mỗi người. Khi mà yếu tố nhân công giá rẻ không còn là lợi thế, nó buộc người lao động phải học tập, đổi mới tư duy, làm quen với công nghệ. Rồi những hình thức lừa đảo online cũng ngày càng nhiều và càng phổ biến hơn với mức độ ngày càng tinh vi. Sự cạnh tranh chuyển hướng sang không gian mạng cũng khốc liệt và phức tạp không kém…
Cách mạng 4.0 cũng khiến cuộc sống trở nên nhỏ bé hơn giữa những cơn “bão” thông tin con người phải đối diện với những thông tin giả, sai sự thật, rồi cả những thông tin bịa đặt nhằm tô hồng hay bôi đen một ai đó. Cuộc sống riêng tư của mỗi người cũng sẽ bị “soi” nhiều hơn với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội bủa vây, nếu ứng xử không khéo rất có thể bạn sẽ trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của chính công nghệ như trường hợp của Lệ Rơi, thánh chửi...
Quả thật, nếu biết ứng dụng thì công nghệ sẽ mang lại vô vàn những tiện ích để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; song nếu quá đà thì công nghệ sẽ lại trở thành “lợi bất cập hại” ngay trong mỗi gia đình.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
