Nhắc đến RCEP, nhớ tới Việt Nam
Từ Việt Nam, một siêu FTA ra đời
Được khởi động từ năm 2012, đàm phán bắt đầu từ 2013 và sau 8 năm đàm phán, RCEP đã được ký vào ngày 15/11/2020 tại Hà Nội. RCEP được ký trong bối cảnh thương mại thời gian gần đây, hay hàng loạt biến động lớn khác mà mới nhất là đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động trao đổi, tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế. RCEP được ký đúng vào năm 2020 - năm mà Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Bởi vậy RCEP không chỉ được thế giới biết đến về tính chất siêu lớn về quy mô, mà còn là cách thức rất đặc biệt mà nó đã được ký kết; và nhắc tới RCEP, người ta cũng sẽ nhớ tới Việt Nam với những nỗ lực không ngừng nghỉ.
![]() |
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
“Việc ký kết hiệp định trực tuyến bất kể đại dịch Covid-19 kéo dài đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung. Chúng ta có thể thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay và một phần thông qua quyết định áp dụng một cách tiếp cận phi truyền thống (hình thức trực tuyến) để thúc đẩy hiệp định được ký kết”, ông Tim Evans – Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nói.
Xét về quy mô, với sự tham gia của 15 thành viên, thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP 26,2 ngàn tỷ USD, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, RCEP sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Vì vậy, RCEP là một “siêu” FTA trên toàn cầu. Siêu hiệp định này còn “khủng” hơn rất nhiều nếu giữ chân được Ấn Độ - một nền kinh tế có dân số lớn thứ 2 thế giới và cũng đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh. Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP sẽ tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đây sẽ là cơ hội cho DN Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn thế nữa, mục tiêu mà ASEAN hướng đến là hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực nên có thể coi RCEP là mắt xích quan trọng để các DN tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng
Nhìn trực diện vào cơ hội kết nối, trải nghiệm và tiêu thụ hàng hoá, bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại của MM Mega Market Việt Nam nhận định, RCEP mang đến nhiều cơ hội lớn. RCEP không quá khắt khe về tiêu chuẩn nhập khẩu, nét văn hoá và thị hiếu tiêu dùng giữa các nước thành viên khá tương đồng nên nhu cầu và việc trao đổi giao thương hàng hoá sẽ thuận lợi hơn. RCEP cũng mở cửa cho các dịch vụ logistic và thương mại điện tử, khiến cho việc đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng giữa các nước trong khu vực dễ dàng hơn rất nhiều.
![]() |
Lễ ký kết RCEP trực tuyến |
“RCEP chắc chắn sẽ thúc đẩy cơ hội tiêu thụ hàng hoá của nước ta trong khu vực mạnh mẽ hơn, do những quốc gia tham gia vào hiệp định hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông sản và thuỷ sản. Đây cũng là thuận lợi đối với MM Mega Market trong định hướng tăng xuất khẩu hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam ra các nước trong khu vực”, bà Nga nhận định. MM Mega Market Việt Nam đang xuất khẩu rất tốt các mặt hàng như: một số loại khoai lang, các loại ớt, chanh không hạt, dừa tươi, cá basa đông lạnh… đến các thị trường trong khu vực. Sản lượng xuất khẩu của DN này tính đến tháng 8 năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. “RCEP được thông qua chắc chắn sẽ là động lực lớn khi mang đến sự thuận lợi hơn về các thủ tục xuất khẩu cũng như lợi ích từ giảm thuế quan cho DN”, bà Nga kỳ vọng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), một trong những lợi ích khi RCEP được thực thi là hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sẽ có thể đáp ứng điều kiện xuất xứ một cách dễ dàng, qua đó có thể hưởng ưu đãi thuế quan tốt hơn nhiều so với các FTA trước đây. Nhờ đó có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng mà nguyên liệu nhập từ nước khác như Trung Quốc. Tuy nhiên, các thách thức cũng xuất hiện, cạnh tranh sẽ gia tăng đáng kể ở cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên sau ký kết, RCEP còn chờ các nước thành viên phê chuẩn và trong quá trình từ nay đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi, công tác chuẩn bị từ cả phía cơ quan quản lý và cộng đồng DN để khai thác được các cơ hội mang lại là vô cùng quan trọng. Trước hết, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng các hướng dẫn theo hướng vắn tắt, dễ hiểu (dưới dạng Cẩm nang) để giúp cộng đồng, đặc biệt là các DN có cái nhìn tổng quát, sơ bộ về những tác động, lợi ích, cơ hội và thách thức mà RCEP đặt ra là rất cần thiết.
Rút kinh nghiệm từ những FTA trước đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý đến công tác tuyên truyền phổ biến cần phải làm thật nhanh và chi tiết để DN hiểu về RCEP và cách thức để tận dụng các lợi ích từ RCEP. Bà Trang cũng nói đến yêu cầu về tốc độ trong công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi RCEP và tổ chức cấp hoặc tiếp nhận chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng theo RCEP.
Về phía DN, theo bà Trần Kim Nga, các DN cần chiến lược định vị, cơ cấu sản phẩm riêng biệt và linh hoạt, đảm bảo chất lượng hàng hoá với giá cả hợp lý, cũng như cần quan tâm hơn đến các quy định nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ. Và trong bối cảnh thương mại điện tử và xu hướng số hoá diễn ra mạnh mẽ hiện nay, những DN bắt kịp và tận dụng tốt xu hướng này sẽ thành công và ngược lại.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
