Nghịch lý tăng trưởng thuế thu nhập cá nhân
![]() | Nộp hồ sơ thuế thu nhập cá nhân điện tử để phòng, chống dịch Covid-19 |
![]() | Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết |
![]() |
Tổng cục Thuế đã công bố kết quả thu ngân sách của ngành trong 8 tháng đầu năm 2020. Theo đó, hầu hết các khoản thu trong nhiều lĩnh vực kinh tế đều sụt giảm và không đạt như dự toán. Tuy nhiên, điều bất ngờ là số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 8 tháng đầu năm 2020 lại tăng mạnh lên 77.100 tỷ đồng, (tăng 10.400 tỷ đồng so với tháng 7). Không chỉ vậy, số thu thuế TNCN 7 tháng cũng có xu hướng đi lên khi đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 7.400 tỷ đồng so với tháng 6. Trước đó, trong tháng 6, số thu đã tăng chậm lại, chỉ đạt 59.300 tỷ đồng.
Việc số thu thuế TNCN tăng mạnh khiến dư luận tỏ ra băn khoăn vì kể từ tháng 7/2020, Việt Nam đã chính thức nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng giảm trừ gia cảnh sẽ giúp 6,8 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này, khoảng 1 triệu người sẽ không phát sinh số thuế nộp, số thu thuế TNCN năm 2020 của cả nước sẽ giảm 10.300 tỷ đồng.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, nghịch lý của việc số thu thuế TNCN vẫn tăng mạnh ngay cả khi đã tăng mức giảm trừ gia cảnh và tăng mức thu nhập chịu thuế là vì việc tăng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay mới chỉ là chạy theo lạm phát và chưa theo kịp với tốc độ tăng lương cơ bản của người lao động và cũng tụt lại xa hơn so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Điều đó cũng có nghĩa, dù mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên, nhưng số người nộp thuế thực tế vẫn tăng chứ không giảm.
Thực tế, các năm trước cũng đã xảy ra tình trạng tương tự khi mà năm 2013 Bộ Tài chính chính thức áp dụng chính sách nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng/người thì số thu các năm sau (2014-2015) vẫn đạt gần 50.000 tỷ đồng và năm 2016 tăng thêm 20.000 tỷ đồng, đạt mức gần 70.000 tỷ đồng, đến năm 2019 số này đã chạm mức gần 100.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trao đổi với Thời báo Ngân hàng, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết số thuế TNCN đến từ thu nhập phát sinh. Thu nhập phát sinh không chỉ đến từ tiền lương, tiền thưởng của người lao động mà đến từ nhiều nguồn khác. Vì vậy, giảm trừ gia cảnh chỉ tác động đến một phần số thuế TNCN. Các khoản thu nhập cá nhân ngoài tiền lương, thưởng còn đến từ giao dịch bất động sản, giao dịch chứng khoán, chia cổ tức, xổ số, thừa kế, quà tặng, chuyển nhượng vốn...
Ngoài ra, cổ tức thường niên năm trước thông thường được chia vào quý 2 hoặc quý 3 năm sau. Ví dụ, cổ tức năm 2019 vẫn được nhiều DN lên kế hoạch chi trả cho cổ đông từ tháng 6/2020. Như vậy, cổ đông sẽ bị đánh thuế TNCN 5% từ cổ tức đó. Khoản thu này không hề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chưa kể rằng, phần thuế TNCN được đóng góp nhiều bởi nhân sự đến từ các DN FDI. Thu nhập của họ rất lớn và không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên việc giảm trừ gia cảnh tăng không ảnh hưởng đến số thuế TNCN họ phải đóng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng cho rằng, ở lĩnh vực chứng khoán, việc thu thuế TNCN hiện cũng có nhiều bất cập. Thuế TNCN hiện được đánh giá trên giá trị giao dịch chứng khoán vì thế mỗi khi phát sinh giao dịch trao đổi cổ phiếu, bất luận lỗ hay lãi, nhà đầu tư vẫn phải đóng thuế 0,1%. Trong khi đó thời gian qua, thị trường chứng khoán chủ yếu được nâng đỡ bởi giá trị giao dịch. Giá trị giao dịch tăng vọt một phần nhờ nhà đầu tư mới ồ ạt mở tài khoản.
“Có thời điểm, thanh khoản một phiên lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Như vậy, số thuế TNCN chỉ trong 1 phiên đó đã lên tới 10 tỷ đồng”, ông Khánh nói.
Kiến nghị không khấu trừ 10% đối với thu nhập vãng lai Phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân, Cục Thuế TP.HCM cho biết, số lượng hồ sơ hoàn thuế những năm gần đây gia tăng và khả năng sẽ tiếp tục tăng cao thêm khi mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng lên trong năm 2020. Theo quy định, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, mỗi lần chi trả thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên phải khấu trừ 10% và đến cuối năm quyết toán theo biểu thuế lũy tiến. Trong năm, cá nhân có thu nhập vãng lai lên 108 triệu đồng (hiện nay 132 triệu đồng/năm, tính theo mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng - PV), khấu trừ 10% thuế, tương ứng số thuế 10,8 triệu đồng. Cơ quan thuế sẽ phải hoàn lại toàn bộ số thuế này cho cá nhân khi họ thực hiện quyết toán thuế bởi nếu tính theo mức giảm trừ gia cảnh cũ đã là 108 triệu đồng/năm. Do đó Cục Thuế TP.HCM kiến nghị lên Tổng cục Thuế không khấu trừ 10% đối với thu nhập vãng lai mà thực hiện khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến đảm bảo không phát sinh hồ sơ hoàn thuế quá nhiều và có thời gian thu các khoản khác kịp thời. |
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Hà Nội: Bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ thông suốt khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng biểu dương lao động giỏi

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Nam A Bank Vietnam Footgolf Open 2025 chính thức khởi tranh
