Ngành Ngân hàng Thái Bình: Tự hào truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển
![]() | Ngành Ngân hàng Thái Bình: Tạo bước đột phá trong giai đoạn phát triển mới |
![]() | Ngành Ngân hàng Thái Bình: Đồng hành cùng kinh tế địa phương |
Trong hành trình 70 năm của Ngân hàng Việt Nam, ngành Ngân hàng quê lúa Thái Bình cũng mang trong mình niềm vinh dự tự hào với những đóng góp vào thành tựu chung của Ngành và Đất nước. Qua những kỷ vật, những bức ảnh hoạt động, những đồng tiền trưng bày trong phòng truyền thống tại trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình giống như thước phim quay chậm mà bất cứ ai tới thăm cũng có thể hiểu được các giai đoạn phát triển của hệ thống Ngân hàng Thái Bình…
Trở về với cột mốc lịch sử hình thành và phát triển của ngành Ngân hàng Thái Bình, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (ngày 6/5/1951), đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng, phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam ngày nay, đến tháng 9/1951, Tỉnh ủy Thái Bình quyết định thành lập Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình, trên cơ sở tiếp nhận hai tổ chức "Ty tín dụng sản xuất" và "Ngân khố quốc gia", sau đổi thành Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia, tiến tới hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp theo Pháp lệnh Ngân hàng năm 1988…
Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết, trải qua các giai đoạn gắn với nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng Ngân hàng Thái Bình luôn đứng vững, phát triển lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của Ngành, vào công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Đến nay, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Thái Bình có NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và 26 chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD), 85 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Các TCTD đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 93 phòng giao dịch, 45 QTDND mở rộng địa bàn sang 64 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn.
Với mạng lưới ngân hàng phủ khắp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế và cung cấp các dịch vụ ngân hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của các thành phần kinh tế.
![]() |
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình |
Sự không ngừng phát triển trong lịch sử ngành Ngân hàng Thái Bình được trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, nhiều cán bộ ngân hàng vẫn còn nhớ mãi về những ngày thực hiện Nghị định 53-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, hệ thống NHNN Việt Nam được tách ra thành hệ thống ngân hàng hai cấp, gồm Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng và các ngân hàng chuyên doanh hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế độc lập và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Tháng 7/1988, NHNN tỉnh Thái Bình trình đề án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chuyển Ngân hàng Thái Bình sang hạch toán kinh doanh... Hay như nhìn lại giai đoạn gần đây nhất 2016-2020, mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN Chi nhánh tỉnh giúp cho hệ thống Ngân hàng Thái Bình vươn lên mạnh mẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để cung ứng vốn cho nền kinh tế, công tác huy động vốn của hệ thống Ngân hàng Thái Bình luôn được đẩy mạnh và có sự tăng trưởng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2015 đạt gần 33.000 tỷ đồng thì đến năm 2020 đạt gần 85.700 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 21,2%/năm. Cơ cấu nguồn vốn huy động gồm tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 7,3%, tiền gửi dân cư chiếm 92,7%; tiền gửi dưới 12 tháng chiếm 61,1%; tiền gửi bằng VND chiếm 97,9% tổng nguồn vốn huy động.
Bên cạnh nguồn vốn huy động tại địa phương, các TCTD đã tranh thủ sử dụng các nguồn vốn điều hòa, vay vốn từ Hội sở chính, góp phần đảm bảo khả năng thanh khoản, mở rộng đầu tư, cho vay các lĩnh vực, thành phần kinh tế, các dự án lớn, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Về đầu tư nguồn vốn, giai đoạn 2016-2020, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhất là năm 2020 bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các TCTD trên địa bàn đã tập trung vốn cho vay các doanh nghiệp, cá nhân để duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, cho vay xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, toàn hệ thống đã tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… Đến hết năm 2020, tổng dư nợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt khoảng 64.445 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 15,8%/năm. Cơ cấu dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn gồm cho vay ngắn hạn chiếm 70%, cho vay trung, dài hạn chiếm 30%.
Bên cạnh đó, các hoạt động thanh tra giám sát, tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được nỗ lực triển khai. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD được tăng cường và nâng cao chất lượng. Thực hiện Đề án tái cơ cấu TCTD và Đề án xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường chỉ đạo các TCTD thực hiện Đề án tái cơ cấu theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của tỉnh; chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Đối với hệ thống các QTDND trên địa bàn tỉnh, đến nay có 83/85 quỹ đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Công tác quản trị, điều hành tại các QTDND về cơ bản được duy trì nền nếp; công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy được tăng cường đáp ứng theo Thông tư số 04/2015/TT-NHNN, Thông tư số 21/2019/TT-NHNN quy định về QTDND.
Việc đưa ra các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Doanh số thanh toán qua ngân hàng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 798,1 ngàn tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 24,1%/năm, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng các phương tiện thanh toán chiếm 75%, góp phần quan trọng giảm thời gian thanh toán, tăng chu chuyển vốn trong nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
![]() |
Phòng truyền thống của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử của Ngành |
Một giai đoạn mới (2021-2025) được mở ra với ngành Ngân hàng Thái Bình, trước mắt là năm 2021, toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX.
Đồng thời, bám sát định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; triển khai kịp thời cơ chế chính sách về tiền tệ, ngân hàng phù hợp với cơ chế, quy chế của Ngành và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển màng lưới, đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh theo định hướng của Ngành, của tỉnh; phát triển các dịch vụ, tiện ích ngân hàng hiện đại; thực hiện tốt công tác điều hòa lưu thông tiền tệ, đáp ứng đủ lượng tiền mặt phục vụ nền kinh tế và nhân dân; tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, thống kê dự báo để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, đảm bảo hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả.
Chặng đường phía trước rộng mở với nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ của cuộc cách mạng 4.0, thời kỳ hội nhập sâu rộng, đòi hỏi toàn Ngành cùng nỗ lực vươn lên đáp ứng yêu cầu đổi mới của công cuộc phát triển đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp 70 năm xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục phát huy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm với Ngành, kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Tin liên quan
Tin khác

Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực của một bức thư lịch sử

Đức và tài phải là chỉnh thể thống nhất

Đạo đức cách mạng của cán bộ ngân hàng

Đi tìm tác giả vẽ “con trâu xanh” trên tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Thăm nhà lưu niệm cố Tổng giám đốc Hoàng Anh

Nhà máy in tiền quốc gia: Dấu ấn một thời

Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Nét son trong hành trình phát triển ngành Ngân hàng

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền Việt Nam

Tổng Bí thư: Tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò huyết mạch nền kinh tế
