Ngành gỗ nhanh chóng trở lại
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thời gian qua dịch tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành gỗ Việt Nam, cả về chuỗi cung xuất khẩu và nhập khẩu. Trong đợt bùng phát lần thứ 4, trung tâm của dịch nằm ở các tỉnh Đông Nam bộ, bao gồm các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nơi đây chiếm tới 70% số lượng DN chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Có tới 50% DN ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM phải ngừng hoạt động, các DN còn lại đã cắt giảm công suất và duy trì 60-70% lượng công nhân làm việc. Trong 3 tháng 8, 9, 10, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ đạt 2,55 tỷ USD, giảm trên 30% so với cùng kỳ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng nhiều DN đã chủ động phân tích tình hình, tìm mọi biện pháp duy trì hoạt động. Từ tháng 9, ngành có dấu hiệu phục hồi. Sau 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020.
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, về cơ bản là chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP thống nhất chỉ đạo công tác phòng chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tạo điều kiện “chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo trong phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Viforest vừa tiến hành khảo sát nhanh với 131 DN chế biến, xuất khẩu gỗ, trong đó 131 DN tại 22 tỉnh, thành phố. Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thông tin, kết quả khảo sát cho thấy, ở thời điểm hiện tại, 67% DN hoạt động trên 70% công suất; 13% DN hoạt động từ 50% công suất trở xuống và 20% DN hoạt động từ 50-70% công suất. Các mô hình hoạt động chính của DN là “3 tại chỗ” chiếm 24%; “2 cung đường 1 điểm đến” chiếm 19% và mô hình khác chiếm áp đảo với 56%. 131 DN tham gia khảo sát có tổng số 43.537 người lao động. Trong đó, hiện tại tỷ lệ tiêm phủ vắc xin Covid-19 mũi 1 của các DN đạt 60%; mũi 2 đạt 29% và chưa tiêm chỉ chiếm 11%. Tuy nhiên, nhiều DN hiện nay đang lo thiếu lao động và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ DN tiếp cận nguồn lao động.
Ông Nguyễn Minh Nhật - Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam cho biết, hiện DN chỉ có 60% lao động làm việc và đang khá khan hiếm nhân công. Thời điểm này, bên cạnh việc tuyển dụng gấp công nhân, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người lao động trở lại làm việc với mức 1 triệu đồng/người. Công ty luôn ưu tiên với những lao động gắn bó với công ty, nhất là lao động làm việc trong thời gian “3 tại chỗ”. Để sớm phục hồi sản xuất công ty đã mua sắm thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt.
Theo ông Justin Wheatcroft - Giám đốc Công ty Square Roots, với 85% lao động quay trở lại làm việc, 5% sẽ quay trở lại sau khi có đầy đủ chứng nhận, đều kiện sức khỏe để trở lại làm việc thì DN cũng sẽ phải tuyển dụng thêm nhân công. Hiện Square Roots đã hoạt động được 75% công suất so với trước khi có dịch và DN đang cố gắng đạt được 100% trước Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, trước tình hình chi phí nguyên, phụ liệu trong chế biến gỗ tăng cao, các DN chủ động đi tìm giải pháp riêng của mình. Ông Võ Quang Hà - Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu cho biết, cả hai nguồn cung nguyên vật liệu là trong nước và nhập khẩu đều đang rất khó khăn, phần vì ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, phần khác do giá cước vận tải tăng. Để giải quyết bài toán này, các DN phải ngồi với nhau, lên kế hoạch mua nguyên liệu chủ động và phải có hỗ trợ của các cơ quan tài chính. Trong khi đó, Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam xác định không thể tăng giá ngay với khách hàng, thay vào đó, công ty đang cố gắng chia sẻ khó khăn để khách hàng hiểu và thanh toán nhanh sớm.
Theo ông Tô Xuân Phúc, các DN ngành gỗ kiến nghị ngành y tế cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhất quán quy trình hướng dẫn phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0. Về phía chính quyền địa phương, cần hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn lao động và có chính sách ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh
