Ngân hàng gọi vốn ngoại: Vẫn còn trắc trở
![]() | Sức ép lên thị trường vốn |
![]() | Cuộc đua nội, ngoại vào bất động sản |
![]() | Bất động sản hút vốn ngoại |
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh
“Tăng vốn đối với các NH chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản ngay cả thời điểm NH kinh doanh thuận lợi. Ấy vậy mà thời điểm này, khi kinh doanh vừa vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất cũng là lúc NH đối mặt với áp lực tăng vốn lớn nhất”, một CEO NH giãi bày. Tăng vốn để tăng trích lập DPRR xử lý nợ xấu, đảm bảo hệ số an toàn vốn – CAR theo quy định của NHNN, mở rộng quy mô tín dụng, thị phần…
Đó cũng là lý do tại Đại hội cổ đông vừa qua, rất nhiều NH trình phương án tăng vốn, trong đó phương án đang được nhắc đến nhiều là bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
![]() |
SCB là một trong những NH đang được nhiều NĐT nước ngoài quan tâm đầu tư |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, sau khi được NHNN chấp thuận chủ trương trong đề án tái cơ cấu mà NH này trình lên từ năm ngoái, SCB đang trong quá trình thương thảo để bán hơn 50% cổ phần cho NĐT nước ngoài theo kế hoạch. Nếu bán được cổ phần cho đối tác ngoại sẽ giúp NH nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu… đồng thời hỗ trợ NH thúc đẩy chiến lược phát triển NH. Tuy nhiên ông Văn cũng lưu ý, cổ phần bán cho NĐT nước ngoài là NH phát hành thêm chứ không phải là của các cổ đông hiện hữu. Thực hiện phương thức này NH mới có thêm được nguồn tiền tươi thóc thật.
Về chủ trương, Chính phủ cũng như NHNN đang khá mở đối với NĐT nước ngoài tham gia vào NH trong diện tái cơ cấu nhưng việc NH gọi vốn ngoại vẫn gặp nhiều rào cản cả từ khách quan lẫn chủ quan. Chia sẻ với phóng viên Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, mặc dù đã có khá nhiều đối tác đến thương thảo, nhưng trên thực tế việc tìm được một đối tác “ưng ý” không dễ dàng.
Theo ông Văn, ngoài chuyện vốn, NH muốn đối tác nước ngoài phải hiểu biết thị trường Việt Nam. “SCB muốn bán CP cho những tập đoàn tài chính đầu tư chứ không chỉ là những NĐT tài chính đơn thuần. Với những tập đoàn tài chính tiềm lực vốn mạnh đầu tư lâu dài được. Còn hiện tại đa phần các đối tác tìm đến là các quỹ đầu tư tài chính chủ yếu đầu tư ngắn hạn không phù hợp với một NH đang trong quá trình tái cơ cấu như SCB”, ông Văn tiết lộ.
Không gặp khó khăn trong việc tìm đối tác cùng chung chí hướng, nhưng nhiều NH khác lại vướng nhiều lý do tế nhị khác. Lãnh đạo cấp cao của VietinBank chia sẻ với phóng viên, NH này đã trình Chính phủ, NHNN xin phép được nới room đối tác ngoại vì hiện NH đã dùng hết. Một ông lớn khác cũng đang khó gọi vốn ngoại là BIDV. Tại ĐHCĐ vừa qua, lãnh đạo BIDV cũng giãi bày với các cổ đông lý do mà NH này vẫn chưa thể tìm kiếm được NĐT nước ngoài để bán cổ phần do cả lý do chủ quan cũng như khách quan của nền kinh tế thế giới và khu vực. Yếu tố khách quan được lãnh đạo NH này đưa ra là bản thân các định chế tài chính nước ngoài cũng đang cần tăng năng lực tài chính áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, III.
Ngoài ra, thay vì đầu tư vốn cổ phần các NĐT lại mong muốn thành lập công ty con tại Việt Nam. Về chủ quan, theo lãnh đạo BIDV là yêu cầu giá cổ phiếu phát hành không thấp hơn thị giá là rất khó. Thường khi mua lô lớn, NĐT đều muốn giá thấp hơn bán lẻ. Nhưng chẳng có NHTM Nhà nước nào “dám” bán thấp hơn thị giá, vì hiện Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Đây không chỉ là vấn đề của BIDV mà nhiều NH khác. Hiện NH này đã báo cáo với Chính phủ.
Cách nào tạo sức hút vốn ngoại
Theo đánh giá của các chuyên gia, NH Việt Nam vẫn hấp dẫn các NĐT nước ngoài. Bởi Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, nằm trong một khu vực kinh tế năng động, ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều tiềm năng. Đồng tình với nhận định NH Việt Nam vẫn khá hấp dẫn nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này chỉ diễn ra đối với các NĐT châu Á.
Yếu tố tạo sức hút đối với các NĐT này do phần lớn NH theo chân khách hàng truyền thống của họ. Còn các NH phương Tây họ vẫn chưa thấy sức hấp dẫn từ NH Việt Nam. Nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lý, tính tuân thủ luật lệ chưa cao, nợ xấu còn lớn… tác động đến tâm lý NĐT khá nhiều. Ngoài ra, môi trường kinh tế, chính sách địa chính trị trên thế giới ngày càng bất định khiến các NĐT do dự hơn trong các quyết định đầu tư của mình.
Để việc gọi vốn ngoại được thuận lợi hơn, theo một chuyên gia NH, sự minh bạch tài chính của chính NH là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định của NĐT khi mua CP. “Tất nhiên, trong hoạt động NH, không phải mọi thông tin có thể công bố công khai, nhưng càng minh bạch thông tin, đảm bảo tính cập nhật, độ chuẩn xác sẽ càng củng cố được niềm tin của khách hàng”, vị này bình luận thêm.
Cơ chế nữa mà nhiều NH đang mong chờ cũng như các NĐT nước ngoài ngóng trông đó là nới room. Nếu nới thì sẽ là bao nhiêu? Một CEO NH bình luận, có thể xét theo từng nhóm. NHTM Nhà nước là nhóm phải thận trọng hơn cả khi nới room. Còn NHTMCP tùy trường hợp có thể dao động từ 35 – 49%. Riêng các NH trong diện tái cơ cấu không cần nắm giữ nhiều mà thực hiện như chính sách hiện nay cho phép room ngoại trên 50%...
Nhìn tổng thể, việc mở cửa và duy trì vai trò của khối ngoại tại các NH ở mức nào phù hợp là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam. Vì sao lại khó vậy, trả lời câu hỏi này vị chuyên gia trên cho rằng, ở thời điểm mọi việc đều diễn ra tốt thì nới room ở mức nào cũng tốt cả. Với những cú sốc khủng hoảng tài chính đã từng và rất có thể diễn ra tới đây sẽ kéo theo hệ lụy rất nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Vì thế, kinh nghiệm trên thế giới, để hạn chế những thiệt hại lớn cho nền kinh tế thì kiểm soát hoạt động của các định chế tài chính rất quan trọng. Dù việc mở cửa rất cần thiết, nhưng xét chung cho cả hệ thống thì phải có những cân nhắc. “Để kiểm soát rủi ro việc sàng lọc đối tác chiến lược nước ngoài là cần thiết, đặc biệt NH vẫn là ngành kinh doanh có điều kiện”, một chuyên gia khác bình luận thêm.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
