Nặng gánh lương tối thiểu
![]() | Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3% |
![]() | Xác định mức lương tối thiểu cần nhiều yếu tố |
![]() | Tăng lương tối thiểu: Cần hài hòa lợi ích |
Lương tối thiểu lại đang là đề tài “nóng”, ít nhất là cho đến khi Chính phủ xem xét thông qua mức tăng 7,3% như dự kiến vào cuối tháng này. Và điều mà giới chủ sử dụng lao động, cùng nhiều chuyên gia về lao động - tiền lương đang hết sức băn khoăn và quan tâm bàn thảo hiện nay là mức tăng như thời gian qua, cũng như theo đề xuất mới đây chưa phù hợp, nên có thể ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế.
![]() |
Ảnh minh họa |
PGS-TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, lương tối thiểu đang được coi như một “đòn gánh vạn năng” khi bị “quàng” lên bởi rất nhiều chính sách. 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính sách thu bảo hiểm xã hội theo luật mới, nâng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lên 32,5%, trong đó chủ sử dụng lao động phải chi trả 22%. Đây chính là gánh nặng lớn nhất đối với lương tối thiểu.
Cách tính lương tối thiểu cũng đầy bất hợp lý. Theo thông lệ, trong tương quan giữa lương tối thiểu và lương trung bình, thì lương tối thiểu chỉ chiếm khoảng 40% lương trung bình. Nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này đã lên tới 60% - 70%. “Tỷ lệ này làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”, bà Hương bình luận.
“Nhiều người cho rằng lương tối thiểu không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, song thực ra lương tối thiểu cần đi theo tăng trưởng”, bà Hương khẳng định tầm quan trọng của quy định về tiền lương tối thiểu. Nếu tiền lương ở mức thấp sẽ tăng mức thất nghiệp tự nhiên, hay thất nghiệp tự nguyện, do lao động không muốn đi làm hoặc nghỉ việc để tìm việc mới. Lượng thất nghiệp này thường “vô hình”, không được thống kê. Nếu mức lương tối thiểu cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường thì sẽ tạo ra thất nghiệp hữu hình. Khi đó, thường là thị trường có nhu cầu lao động cao, nhưng công việc lại không đủ để đáp ứng.
Theo tính toán của các chuyên gia, khi chi phí lao động tăng 1%, thì DN sẽ thu hẹp nhu cầu lao động lại. Tuy nhiên ở Việt Nam, điều này là chưa rõ và hiện nay DN vẫn có thể tiết giảm chi phí bằng cách giảm các khoản an sinh xã hội. Do rất nhiều chính sách an sinh xã hội đang “quàng” vào lương tối thiểu, đã dẫn tới tình trạng “mặc cả” mỗi lần có chủ trương tăng lương. “Có DN nói, nếu ép họ tăng lương tối thiểu, thì họ sẽ giảm các khoản an sinh xã hội, vì thế mà dù có tăng lương tối thiểu thì lương bình quân cũng sẽ khó tăng”, bà Hương giải thích.
Đây chính là cách mà DN đang tính toán để “đối phó” với phương án tăng lương. Bởi theo phản ánh của Hội đồng tiền lương quốc gia, nhiều chủ sử dụng lao động đang đề nghị giảm mức đóng bảo hiểm cho người lao động từ 22% xuống 18%. Điều này sẽ giảm bớt phần nào gánh nặng tiền lương cho chủ sử dụng lao động khi lương tối thiểu tăng lên và như vậy DN chưa phải tính tới việc giảm bớt lao động. Tuy nhiên, về lâu dài thì việc tăng lương cũng khiến lợi nhuận DN giảm đi và khi giảm lợi nhuận thì khả năng mở rộng việc làm trong tương lai của DN cũng giảm theo.
Một bất cập khác được TS. Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh chỉ ra là lương khu vực tư nhân đang có tốc độ tăng “chóng mặt”, thoát ly khỏi mức tăng năng suất lao động. “Cứ tăng thế này thì rồi chúng ta sẽ lấy gì mà trả lương công nhân?”, ông Đạm đặt câu hỏi.
Ông cho rằng, tốc độ tăng lương tối thiểu hiện nay đã vượt cả tốc độ tăng CPI và GDP, không tuân theo lý thuyết. Thực tế cho thấy DN vẫn đang chịu đựng được, nhưng về lâu dài thì DN sẽ ngày càng phải gồng lên để chịu đựng. Cùng với đó, các chuyên gia nhận định cần sửa mục tiêu “lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu”. Bởi lương tối thiểu trước hết phải phản ánh được năng suất lao động. Nếu cứ ép lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu, sẽ chẳng khác nào “muốn gọt chân cũng không biết đường nào mà gọt vì không có giày”, ông Đạm bình luận.
Chỉ ra bất cập của cách tính lương tối thiểu hiện nay, các chuyên gia cho rằng quy định tiền lương theo tháng là ép DN phải trả lương toàn bộ thời gian cho lao động, trong khi lao động đó có thể chỉ làm bán thời gian hoặc một vài giờ trong ngày. Vì vậy, đề xuất được đưa ra là nên áp dụng phương thức trả lương theo giờ theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó cần xác định vai trò của lương tối thiểu là mức lương thấp nhất, nhưng phải phản ánh đặc thù theo vùng, theo thị trường.
Những quan điểm này được các chuyên gia khuyến nghị trong bối cảnh Chính phủ vừa qua đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan đánh giá về tác động của mức tăng lương tối thiểu, bởi nó có tác động rất lớn tới sức cạnh tranh của nền kinh tế khi việc thu hút đầu tư ngày càng gay gắt. Việc lấy ý kiến và phương án tăng lương dự kiến sẽ được hoàn tất để trình Thủ tướng ký ban hành vào cuối tháng 9 này.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
