Nâng cao trao đổi thông tin xuyên biên giới
Hội thảo có sự tham dự của các đại diện cơ quan thông tin tín dụng hàng đầu của 5 nước trong khu vực sông Mê Kông gồm Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc.
![]() |
Các thành viên tham dự hội thảo |
Toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng trên toàn thế giới, toàn cầu hóa tác động trực tiếp sâu rộng tới các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của các nước trong đó có lĩnh vực thông tin.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, các DN đều phát sinh nhu cầu tìm hiểu thông tin của các đối tác của họ, đặc biệt là các đối tác nước ngoài trong các giao dịch thương mại. Trong khi người bán cần thông tin để đánh giá mức độ tín nhiệm, độ tin cậy về khả năng thanh toán của đối tác nước ngoài, thì người mua hàng cũng cần kiểm tra tính ổn định trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của nhà cung cấp.
Các DNNVV, khi chuyển dịch kinh doanh tới các quốc gia lân cận để nắm bắt lợi thế kinh doanh trong việc hợp nhất kinh tế vùng trong tương lai gần cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính do thiếu các thông tin lịch sử tín dụng được lưu trữ tại quốc gia mới.
Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng (CRSPs) trong khu vực Mê Kông hiện chỉ đang cung cấp dịch vụ cho các đối tượng/đơn vị khai thác nội địa, trong phạm vi quyền hạn pháp lý cụ thể và được quản lý bởi các quy định pháp luật về hoạt động thông tin tín dụng cụ thể hoặc theo bộ quy tắc ứng xử.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã nhấn mạnh về sự cần thiết của việc chia sẻ thông tin tín dụng qua biên giới các nước, từ cơ sở lợi ích đó các bên tham gia cùng trao đổi và đi đến một thỏa thuận chung về quy trình trao đổi thông tin tín dụng dựa trên cơ sở tự nguyện nhằm tạo thuận lợi cho nhu cầu về tiếp cận thông tin tín dụng qua các nước, đặc biệt về thông tin thương mại.
Tại Hội thảo, các cơ quan thông tin tín dụng đại diện của 5 nước đã có bài giới thiệu về hoạt động cung cấp thông tín dụng tại chính đơn vị mình và khuôn khổ pháp lý của từng nước trong việc cung cấp báo cáo thông tin tín dụng.
Đại diện cho Việt Nam, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NHNN Việt Nam cũng đã có bài giới thiệu tại Hội thảo. Với tư cách là cơ quan tín dụng hàng đầu tại Việt Nam, CIC có chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN và thực hiện các dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của NHNN và pháp luật.
Hoạt động của CIC đóng góp tích cực cho công tác quản lý của NHNN cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh tín dụng an toàn, hiệu quả, góp phần vào việc ổn định hệ thống ngân hàng, giúp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, góp phần hỗ trợ các TCTD mở rộng, phát triển.
Đại diện CIC cũng chia sẻ, Việt Nam hiện chưa có quy định về khung pháp lý cho việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành và chưa có quy định về việc chia sẻ thông tin qua biên giới quốc gia. Hiện tại, việc cung cấp thông tin tín dụng cho các đối tác nước ngoài vẫn dưới hình thức ký kết hợp đồng và thực hiện bảo mật thông tin theo Luật NHNN năm 2010.
Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có luật hay quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cung cấp thông tin tín dụng mà chủ yếu vẫn dựa trên thương lượng giữa các bên.
Từ giới thiệu của các nhà cung cấp thông tin tín dụng đại diện của các nước tham dự hội thảo về hoạt động chia sẻ thông tin tín dụng qua biên giới, các chuyên gia WB đã tổng hợp các nhóm vấn đề chính về hiện trạng chia sẻ thông tin tín dụng, về khuôn khổ pháp lý của mỗi nước để có cái nhìn tổng quát trước khi đưa ra các đề xuất định hướng chung cho các nước khu vực sông Mê Kông.
Phương pháp tiếp cận nhận thức về chia sẻ thông tin giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ TTTD ở khu vực sông Mê Kông.
Các chuyên gia WB đã đưa ra quan điểm chung về cách thức chia sẻ thông tin (quy trình yêu cầu và cung cấp, sự đồng thuận), ngôn ngữ và thủ tục giải quyết tranh chấp khi phát sinh khi thực hiện trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng ở khu vực sông Mê Kông.
Hoạt động trao đổi thông tin tín dụng qua biên giới thường được thực hiện qua một đơn vị trung gian - Nhà cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng (CRSP), được các chuyên gia đề xuất với quy trình, cách thức như sau:
Các đơn vị đại diện các nước khu vực sông Mê Kông tham dự hội thảo đều nhận thấy các nội dung được chia sẻ và thống nhất tại hội thảo đều rất hữu ích và cần thiết, đặc biệt với Việt Nam, trong bối cảnh CIC đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp trao đổi thông tin xuyên biên giới nhằm mở rộng nguồn thu thập thông tin để thực hiện kế hoạch hành động của NHNN ban hành cùng với Quyết định 1097/QĐ-NHNN ngày 01/06/2015 về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, hội thảo đã đem lại cơ hội để các đơn vị cung cấp thông tin tín dụng trong khu vực sông Mê Kông trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng quan hệ hợp tác.
Kết quả của các buổi thảo luận tại hội thảo sẽ được sử dụng như một mô hình mẫu để kiểm tra thử nghiệm về việc thực hiện chia sẻ thông tin tín dụng trong khu vực sông Mê Kông trước khi nhân rộng sáng kiến này trong toàn bộ các nền kinh tế trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong khuôn khổ các nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực của các quốc gia thuộc khối ASEAN và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khối APEC.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
