Mỹ siết chặt quy định niêm yết của doanh nghiệp nước ngoài
Đạo luật trách nhiệm giải trình
Theo đó sau khi được Thượng viện nhất trí thông qua vào tháng 5, Dự luật đã được Hạ viện thông qua bằng cách bỏ phiếu nhất trí vào thứ Năm tuần trước (3/12) và gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để ký ban hành thành luật.
“Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài” này sẽ cấm chứng khoán của các công ty nước ngoài được niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu họ không tuân thủ các cuộc kiểm toán của Ủy ban Giám sát Kế toán công của Mỹ trong 3 năm liên tiếp.
Mặc dù quy định này được áp dụng cho các công ty đến từ bất kỳ quốc gia nào, nhưng các nhà tài trợ cho luật này nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, chẳng hạn như Alibaba, hay Công ty công nghệ Pinduoduo và Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ PetroChina.
![]() |
Ủy ban Chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán Mỹ - SEC |
Các biện pháp cứng rắn hơn đối với hoạt động kinh doanh và thương mại của Trung Quốc thường được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ rất cao. Các đảng viên thuộc cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của ông Trump đều lặp lại đường lối cứng rắn của ông đối với Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên gay gắt hơn trong năm nay và đã lan sang nhiều lĩnh vực chứ không còn đơn thuần là thương mại như giai đoạn đầu.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen - người là đồng tác giả của dự luật với Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Kennedy - cho biết trong một tuyên bố rằng, các nhà đầu tư Mỹ “đã bị lừa hết tiền sau khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc có vẻ hợp pháp nhưng không tuân theo các tiêu chuẩn như các công ty niêm yết công khai khác”.
Kennedy cho biết Trung Quốc đang sử dụng các sàn giao dịch của Mỹ để “khai thác” người Mỹ. “Hạ viện đã tham gia cùng Thượng viện để bác bỏ tình trạng độc hại này”, ông nói trong một tuyên bố.
Đạo luật này cũng sẽ yêu cầu các công ty đại chúng tiết lộ liệu họ thuộc sở hữu hay kiểm soát của chính phủ nước ngoài. Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ ca ngợi việc Hạ viện thông qua dự luật, nói rằng cần phải bảo vệ người Mỹ khỏi “các công ty nguy hiểm”.
Nên chuẩn bị sẵn các phương án
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện rằng, đó là một chính sách phân biệt đối xử, áp chế về mặt chính trị đối với các công ty Trung Quốc. “Thay vì thiết lập các lớp rào cản, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ”, Hua nói trong một cuộc họp báo.
Trong khi một phát ngôn viên của Alibaba đã chỉ ra một bình luận về dự luật từ tháng 5, khi nó được Thượng viện thông qua. Giám đốc Tài chính Maggie Wu nói với các nhà đầu tư rằng công ty sẽ “cố gắng tuân thủ bất kỳ luật nào nhằm mục đích bảo vệ và mang lại sự minh bạch cho các nhà đầu tư mua chứng khoán trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ”.
Các nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã miễn cưỡng để các cơ quan quản lý ở nước ngoài kiểm tra các công ty kế toán trong nước, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Các quan chức tại cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc cho biết vào đầu năm nay, họ sẵn sàng cho phép kiểm tra các tài liệu kiểm toán trong một số trường hợp, nhưng các thỏa thuận trước đây nhằm giải quyết tranh chấp đã không hoạt động trên thực tế.
Shaun Wu - một đối tác của Công ty luật Paul Hastings có trụ sở ở Hồng Kông cho biết, việc tăng cường áp lực đối với các công ty Trung Quốc có khả năng xảy ra mặc dù ông Joe Biden của Đảng Dân chủ sẽ trở thành Tổng thống vào tháng Giêng năm tới.
Ông cho biết nếu dự luật trở thành luật, “tất cả các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ phải đối mặt với sự giám sát nâng cao của các cơ quan chức năng Mỹ và chắc chắn phải xem xét tất cả các khả năng có thể”.
Điều này có thể bao gồm việc niêm yết ở Hồng Kông hoặc những nơi khác, ông nói. Một số công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, bao gồm Alibaba và nhà điều hành KFC Trung Quốc Yum China, gần đây đã thực hiện niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Fed phản ứng thế nào trước các rủi ro thuế quan?
