Mỹ: Cần chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nữa mới có thể kiềm chế lạm phát
Vào tháng 6 vừa qua, Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp trung bình sẽ chỉ cần tăng lên 4,1% vào cuối năm 2024 để giúp lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% đặt ra. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2022 là 3,7%.
"Nếu thị trường lao động không phản ứng (ý nói vẫn tốt như hiện tại), hoặc kỳ vọng lạm phát không phản ứng (ý nói kỳ vọng lạm phát vẫn cao) thì dự kiến về tỷ lệ thất nghiệp như của Fed đưa ra (chỉ tăng lên 4,1% vào cuối năm 2024) là không đủ (để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%). Vì thế, hoặc lạm phát sẽ tiếp tục cao hơn đáng kể, hoặc chúng ta phải chấp nhận sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và kinh tế suy thoái đáng kể", Giáo sư kinh tế Laurence Ball của Đại học Johns Hopkins cho biết khi trình bày bản tóm tắt về nghiên cứu này được đưa ra tại hội nghị kinh tế của Viện Brookings mới đây.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nghiên cứu này (còn có đồng tác giả là các chuyên gia kinh tế Daniel Leigh và Prachi Mishra của IMF) là một phần của cuộc tranh luận gay gắt hiện nay về mức độ chấp nhận "đau đớn" về kinh tế - như Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã nói về cụm từ này - sẽ lớn đến đâu để có thể kiểm soát được con ngựa lạm phát bất kham tại Mỹ hiện nay. Việc Fed đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ thời kỳ những năm 1980 gợi nhớ về những "đau đớn" mà kinh tế Mỹ phải trải qua giai đoạn đó.
Bốn thập kỷ trước đây, Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker đã phải tăng lãi suất rất mạnh để kiềm chế lạm phát cao (có thời điểm vượt quá 14%). Nhưng thành công trong kiểm soát lạm phát cũng đi cùng với cái giá phải trả là kinh tế suy thoái kéo dài và khi các DN buộc phải điều chỉnh co hẹp do nền kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, vượt quá 10%.
Tất nhiên bối cảnh hiện nay khác với thời điểm đó, lạm phát cũng chưa đến mức quá cao như vậy và các quan chức Fed tin tưởng vẫn có thế “đánh bại” lạm phát thông qua thắt chặt tiền tệ mà nền kinh tế không phải trải qua suy thoái kéo dài hay có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ thất nghiệp.
Tuy không hoàn toàn loại trừ một kịch bản tích cực như vậy có thể xảy ra nhưng các tác giả của nghiên cứu này cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát hiện nay chắc chắn sẽ kéo dài và khó khăn hơn, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ cao hơn dự kiến mà Fed đã đưa ra. Và rất có thể Fed sẽ “thừa nhận” những điều này trong các dự báo cập nhật của mình được ban hành trong hai tuần nữa.
Theo Giáo sư Laurence Ball và các đồng tác giả của nghiên cứu này, một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp lạm phát sớm được kiểm soát "một cách mạnh mẽ" là phải chấp nhận "sự gia tăng đau đớn và kéo dài tỷ lệ thất nghiệp". Con số cụ thể mà các nhà nghiên cứu tính toán như đã đưa ra ở trên, đó là chấp nhận tỷ lệ này sẽ phải tăng lên mức 7,5%.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, chỉ khi đồng thời những giả định lạc quan nhất về hành vi của thị trường việc làm và lạm phát tại Mỹ cùng xảy ra thì Fed mới có thể chế ngự áp lực giá cả hiện nay thành công mà không phải chấp nhận “đau đớn” như họ đã tính toán với thị trường lao động.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Nhà đầu tư toàn cầu vẫn thận trọng dù ông Trump hoãn thuế

Fed phản ứng thế nào trước các rủi ro thuế quan?
