Mỹ, Argentina “cài đặt lại” quan hệ
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Mỹ tới Argentina sau gần 19 năm kể từ chuyến thăm năm 1997 của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Quan hệ Mỹ - Argentina đã được cải thiện từng bước sau khi Tổng thống Macri lên cầm quyền hồi tháng 12/2015 và hứa hẹn sẽ tiến triển mạnh hơn trong thời gian tới.
![]() |
Tổng thống Barack Obama trò chuyện của Tổng thống Mauricio Macri trong chuyến thăm của ông Obama đến Argentina - Ảnh: Reuters |
Tiềm năng hợp tác
Trong chuyến thăm chính thức Argentina hai ngày theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Mauricio Macri nhằm tăng cường quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước khẳng định cam kết tăng cường trao đổi hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là trao đổi thương mại, đầu tư, bảo vệ nhân quyền và cuộc chiến chống tội phạm cũng như khủng bố.
Trong phái đoàn hùng hậu gồm 850 người tháp tùng Tổng thống Obama có tới 400 doanh nhân Mỹ. Điều này chứng tỏ Nhà Trắng mong muốn tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư với quốc gia Nam Mỹ này.
Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 8,49 tỷ USD vào năm 2005, trong đó Argentina đạt mức thặng dư hơn 495 triệu USD. Tuy vậy, từ đó đến nay, Buenos Aires luôn rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại với Mỹ. Năm 2015, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Argentina đạt hơn 11 tỷ USD, nhưng thâm hụt thương mại của “xứ sở tango” với Mỹ lên tới 4,7 tỷ USD.
Trước thềm chuyến thăm trên, Tổng thống Macri tuyên bố đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự mở cửa của nước này với thế giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Susana Malcorra cho rằng chuyến thăm là minh chứng cho thấy Buenos Aires đang tái hội nhập với thế giới cũng như mở rộng quan hệ với tất cả các nước lớn. Còn cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định Argentina có thể trở thành một đồng minh quan trọng của Nhà Trắng trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống ma túy tới chống biến đổi khí hậu.
Theo giới phân tích với Mỹ, Argentina có thể là cầu nối để Washington trở lại khu vực. Mỹ không thể bỏ qua cơ hội với một Argentina có vị thế chiến lược trong khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang có sự hiện diện lớn tại đây. Tổng thống Mỹ Obama ngày 23/3 khẳng định ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Tổng thống Mauricio Macri để Argentina phát triển và trở thành quốc gia có tiếng nói quan trọng.
Dự kiến, Argentina trong thời gian tới có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Vượt qua bất đồng
Tổng thống Obama đã đánh giá cao những thay đổi hiện nay của Argentina dưới thời Tổng thống Macri, đồng thời nhấn mạnh hai nước có thể trở thành đồng minh quan trọng trong tương lai. Ông cũng hoan nghênh nỗ lực “mang tính xây dựng” của Buenos Aires trong thương lượng với các nhà đầu tư, nhằm chấm dứt vụ kiện cáo giữa quốc gia Nam Mỹ với các chủ nợ tại Tòa án New York, sau khi nước này bị vỡ nợ năm 2001.
Vụ một chủ nợ và nhà đầu cơ Mỹ kiện Chính phủ Argentina là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước luôn căng thẳng trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Cristina Fernandez, người tiền nhiệm của ông Macri.
Về phần mình, Tổng thống Macri nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước và sự ủng hộ của Nhà Trắng với những thay đổi đang diễn ra tại quốc gia này.
Đầu tháng 3/2016, ông Macri hoan nghênh thỏa thuận nước này đã đạt được với các chủ nợ trong những tuần gần đây, để có thể khép lại cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài trong nhiều năm giữa Buenos Aires và các nhà đầu cơ Mỹ tại Tòa án New York liên quan đến các khoản nợ trái phiếu sau khi nước này vỡ nợ từ năm 2001.
Bên cạnh đó, Tổng thống Macri, người theo đuổi mô hình tự do mới, cũng cảm ơn việc ông Obama cho phép giải mã tài liệu quân sự và tình báo mật có liên quan tới giai đoạn độc tài cuối cùng ở nước này (1976-1983).
Trong ngày đầu chuyến thăm, Tổng thống Obama đã hội đàm song phương với người đồng cấp nước chủ nhà Mauricio Macri. Sau cuộc hội đàm trên, Nhà Trắng thông báo Mỹ và Argentina đã ký kết Thỏa thuận Khung Đầu tư và Thương mại.
Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ Mỹ hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thống Macri nhằm củng cố mối quan hệ của nước này với các thể chế tài chính quốc tế cũng như tham gia vào diễn đàn kinh tế đa phương. Nhà Trắng cũng cho biết sáu phái đoàn thương mại Mỹ sẽ tới thăm Argentina nhằm hỗ trợ về kỹ thuật cho kế hoạch cải cách của nước này. Đây là những bước quan trọng thúc đẩy thúc đẩy những nỗ lực của Buenos Aires nhằm chấm dứt sự cô lập về tài chính của cộng đồng quốc tế suốt 15 năm qua.
Argentina hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ latinh với quy mô phát triển tương tự như Thụy Điển và Nigeria. Tuy nhiên, việc mất khả năng thanh toán khoản nợ 100 tỉ USD hồi năm 2001 đã khiến Buenos Aires bị cô lập về tài chính, trong đó có việc phải rút khỏi thị trường vốn quốc tế. Hiện Tổng thống Obama đang nỗ lực hỗ trợ chính quyền mới ở Argentina, tạo nền tảng tài chính vững chắc hơn cho quốc gia Nam Mỹ này cũng như thiết lập mối quan hệ đồng minh mới trong khu vực.
Trước đó, Phòng thương mại Mỹ tại Argentina (AmCham) cho biết doanh nghiệp Mỹ sẽ đầu tư hơn 2,3 tỷ USD vào nước Nam Mỹ này trong vòng 18 tháng tới. Chủ tịch AmCham Juan Vaquer cho hay các doanh nghiệp Mỹ hiện đã có mặt tại nước này đang xem xét có thể đầu tư thêm 13,8 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Fed phản ứng thế nào trước các rủi ro thuế quan?
