Miền Trung nỗ lực vươn ra biển lớn
![]() | Thủ tướng: Miền Trung phải thực sự là 'đất lành, chim đậu' |
![]() | Phát triển du lịch miền Trung: Khó có dịch vụ 5 sao nếu nhân lực 1-2 sao |
![]() |
Miền Trung phải thể hiện khát vọng vươn lên để phát triển bền vững |
Vẫn còn những “điểm nghẽn”
Miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Bên cạnh những thuận lợi về địa lý, đến nay khu vực cũng đã có hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Đông Nam Á, liên thông với quốc tế thông qua hệ thống sân bay và cảng biển.
Nỗ lực phát triển, thời gian qua chính quyền các địa phương trong khu vực đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư; Tăng cường cải cách hành chính, huy động nhiều nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay kinh tế 14 tỉnh, thành trong khu vực đã có những khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng các năm 2017, 2018 của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước. Mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước của vùng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016 - 2018. GRDP bình quân đầu người của vùng tăng từ 1.850 USD/người năm 2016 lên 2.074 USD/người năm 2018, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Khu vực công nghiệp, xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt khoảng 10,36%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước). Bên cạnh, thu ngân sách của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018.
Đặc biệt, ngành du lịch đang trở thành động lực cho sự tăng trưởng. Năm 2018, toàn vùng đã đón được trên 54 triệu lượt khách du lịch. Trong đó có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỷ đồng, bằng 39,8% số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, miền Trung vẫn còn đối mặt với những khó khăn trong phát triển kinh tế. Cụ thể, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ; hiệu quả đầu tư chưa cao; tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng; động lực tăng trưởng của vùng còn yếu, bởi trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có.
Đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước; trong đó ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.
Đặc biệt, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế của cả vùng; môi trường đầu tư kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất; thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh...
![]() |
Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án |
Tránh việc mạnh ai nấy làm
Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế miền Trung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng được các chuyên gia chỉ ra là vấn đề liên kết. Theo đó, các tỉnh, thành trong khu vực chưa thực sự hợp lực để cùng phát triển, còn tồn tại tình trạng mạnh ai nấy làm; nhiều hoạt động liên kết kinh tế chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác, ít được triển khai trên thực tế. Chính vì thế nên hầu hết các sân bay cảng biển đều chưa khai thác hết công suất. Nhìn rộng ra, liên kết còn lỏng lẻo đã dẫn đến việc quy hoạch, thu hút đầu tư ở miền Trung còn nhiều bất cập.
Trước những khó khăn, vướng mắc để kinh tế miền Trung phát triển, Chính phủ, bộ, ngành, cùng chính quyền các địa phương đang tập trung tháo gỡ, có giải pháp đột phá để phát triển... Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là giải quyết bài toán liên kết.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề xuất, cần hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng Vùng trong việc tham gia các chủ trương, chính sách phát triển Vùng và định hướng phát triển các địa phương trong vùng. Cần đảm bảo bộ máy vùng có đủ thực quyền. Trong đó, có thực quyền ra quyết định, đặc biệt là thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và quản lý và phân bổ ngân sách.
Bên cạnh vấn đề liên kết, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm các địa phương cần tiếp tục chủ động tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững... Chia sẻ về sự phát triển của miền Trung trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong bối cảnh chung về cơ hội phát triển nhanh và bền vững của đất nước, miền Trung cần có quyết tâm chính trị cao, theo tinh thần “bây giờ hay không bao giờ”, có điều kiện để biến vùng đất nhiều tiềm năng, nhưng chậm phát triển thành những địa phương phồn vinh trong 15-20 năm tới.
Để rút ngắn khoảng cách phát triển so với “hai đầu” đất nước. Trong 10 - 15 năm tới cần huy động mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9-10%/năm, đến năm 2035 mức GRDP/người đạt khoảng 3 lần hiện nay. Trong 15 năm tới là cơ hội, nếu bỏ qua thì miền Trung sẽ là nơi rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” sớm nhất của cả nước...
Nhấn mạnh tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không có ý chí, không có quyết tâm sẽ rất khó thành công. Nêu một số nét chính về sự phát triển "thay da, đổi thịt" của miền Trung, Thủ tướng đề cập đến các mặt tồn tại, bất cập để khắc phục. Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng, cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung, đang dần được hình thành nhưng còn thiếu nhiều thứ và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng… Chính vì thế, nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả; chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu; chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao...
Đứng trước những vận hội mới của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương trong khu vực phải thể hiện khát vọng vươn lên. Miền Trung phải xốc tới, phát triển bền vững hơn nữa, để trở thành nơi đất lành chim đậu. Lãnh đạo các địa phương cần khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của từng doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng cũng lưu ý, song song với phát triển kinh tế phải bảo đảm an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo, quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
