Lợi thế, tiềm năng, vị thế đất nước sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh
![]() |
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế thế giới chao đảo, trong đó có cả Việt Nam. Giữa làn sóng đó, doanh nghiệp có lẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông đánh giá gì về những khó khăn, thử thách mà doanh nghiệp Việt gặp phải trong thời gian qua?
Vào ngày 13/10/1945, đội ngũ Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm sứ mệnh xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc linh thiêng cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Đại dịch Covid-19 có thể được ví như một “trận đại hồng thủy” đối với cộng đồng doanh nghiệp trên cả thế giới lẫn ở Việt Nam. Có những lúc nó chặn đứng hoàn toàn sự vận động của mọi tài nguyên trong các doanh nghiệp, cụ thể là người lao động phải nghỉ làm, thậm chí tử vong do dịch bệnh, máy móc phải ngừng trệ và nguyên vật liệu bị tắc nghẽn hoặc tồn kho do không thể sản xuất… Các yếu tố mang tính vận hành này cùng với sự bế tắc về tài chính, khả năng thích ứng, đổi mới sáng tạo và sự chịu đựng của chủ doanh nghiệp đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa trước giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có rất nhiều doanh nghiệp tồn tại và nắm bắt được cơ hội của thị trường để vươn lên trong bão dịch.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp biến nguy thành cơ, vận dụng tư duy sáng tạo để khai phá thị trường mới, hướng tới phát triển bền vững. Bài học này cần được nhân rộng ra sao, thưa ông?
Nhiều chủ doanh nghiệp cho đến nay vẫn tư duy theo cách “nếu không làm tốt ở trong nước thì không thể vươn ra nước ngoài”. Đây là một cách nghĩ hoàn toàn sai bởi lẽ có những thứ mà các nước cần ở ta và có những thứ mà ta cần ở bạn. Tôi lấy một ví dụ cụ thể là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Như chúng ta biết thì lý do mà nó hình thành là nhằm tạo điều kiện cho việc giao thương giữa hai bên được dễ dàng và thuận lợi hơn thông qua các cơ chế như giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình và yêu cầu kiểm định. Điều này có nghĩa là phía EU đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của ta như nông sản, dệt may, giày dép, đồ điện tử… với giá cả ưu đãi; và ngược lại thì Việt Nam cũng đang có nhu cầu nhập khẩu máy móc, linh kiện, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm… từ các nước EU. Do vậy, tôi đánh giá rất cao các doanh nghiệp đã nhìn nhận ra vấn đề này và bắt đầu tìm hiểu, mở rộng chuỗi giá trị qua các thị trường mới trong thời gian qua.
Tôi khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng nên có phương án mở rộng sản xuất - kinh doanh theo hướng như vậy, vì khi các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt đi ra nước ngoài thì giá trị của các món hàng đó sẽ được gia tăng đáng kể. Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi và thực tế đang chứng minh xu thế toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại.
Dĩ nhiên với lời khuyến khích này, tôi cũng muốn đưa ra một vấn đề vô cùng quan trọng, đó là sự liên kết giữa ba bên, bao gồm nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu đi trước và các doanh nghiệp đang có ý định mở rộng thị trường. Một mặt, Nhà nước cần phải tiếp tục nghiên cứu các chính sách vĩ mô để mở cửa thị trường cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với nước bạn một cách thuận lợi nhất. Mặt khác, các doanh nghiệp đi trước cũng cần có tư duy thoáng hơn, phải “dìu dắt” được các doanh nghiệp trong chuỗi, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu để họ từng bước gia nhập thị trường.
Càng tiến gần hơn với kỷ nguyên số, tiêu chí đặt ra với doanh nghiệp càng trở nên khắt khe hơn. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vừa cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thời đại vừa phải thay đổi để không bị thụt lùi?
Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nói về sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 5.0, nhưng ở nước ta thì số lượng các doanh nghiệp am hiểu về 4.0 còn rất ít. Đây chính là sự tụt lùi và lạc hậu.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đi sau mà có hơn 100 quốc gia khác cũng như vậy. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua các quốc gia này về công nghệ số hay rộng hơn là kinh tế số nếu thực sự tập trung đầu tư có hiệu quả cho nó.
Có thể nói, ở góc độ thương mại các doanh nghiệp, tiểu thương, hộ kinh doanh cần phải làm quen với các nền tảng thương mại điện tử, internet banking và mạng xã hội… để “ráp nối” với những phương thức tiêu thụ của người tiêu dùng. Ở góc độ điều hành, sản xuất, xu thế tinh giản lao động và kết nối từ xa đối với các ngành nghề có tính ứng dụng khoa học công nghệ cao đang ngày càng phổ biến. Đây là giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư lớn, vì tính hiệu quả của đổi mới khoa học công nghệ phải dựa trên cơ sở mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ và sự tiếp nhận của thị trường. Do đó, các đối tượng ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành, sản xuất chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và lớn. Do vậy, để xác định có nên đầu tư vào khoa học công nghệ trong điều hành, sản xuất hay không thì người làm chủ cần xác định đầu ra một cách chính xác. Tôi không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ một cách “mù quáng”, nhưng đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu.
Với vai trò đứng đầu tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông kỳ vọng gì về những thời cơ, vận hội mới trong thời gian tới?
Đối với Việt Nam thì thời cơ và vận hội luôn là một món quà hiện hữu bởi 4 yếu tố sau đây: (1) con người Việt Nam chung sống hòa bình, hạnh phúc với các nước trên thế giới; (2) môi trường sống, làm việc tại Việt Nam ổn định, an toàn; (3) định hướng phát triển đất nước của Việt Nam mạch lạc, xuyên suốt; (4) vị trí địa lý, địa chính trị của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế.
Với 4 yếu tố trên, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trở thành quốc gia số 1 Đông Nam Á, đóng vai trò là “cửa ngõ” giữa các nước đối tác với khu vực, thể hiện được vai trò đại diện cho cộng đồng ASEAN trên các diễn đàn quốc tế và là một điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
